CẢNH DINH – Ngày 14/7/2021, TANDTC tổ chức Hội nghị Chuyển đổi số và định hướng xây dựng Toà án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp bằng hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại hội trường B2 trụ sở TANDTC. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình chủ trì Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị còn có ông Nguyễn Mạnh Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; các Thứ trưởng, đại diện các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Ông Kim Tae Joon, Thẩm phán –Giám đốc Dự án tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Toà án Việt Nam

Về phía TANDTC tham dự hội nghị còn có  các  Phó Chánh án TANDTC, các  Thẩm phán TANDTC, công chức cấp Vụ và cấp phòng thuộc TANDTC.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Du – Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC cho biết cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế – xã hội và ảnh hưởng sâu sắc đến chính trị – an ninh mỗi quốc gia, từng khu vực và toàn cầu, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội để các quốc gia đang phát triển biết nắm bắt, bứt phá trở thành quốc gia phát triển, dẫn đầu.

Ông Nguyễn Văn Du – Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC phát biểu tại Hội nghị

Nhận thức được vai trò và xu thế phát triển tất yếu của cuộc cách mạng này, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Nghị quyết số 52 ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Quyết định số 942 ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra chủ trương, định hướng và chiến lược rõ ràng để bắt kịp với xu thế thế giới của “thời đại số”.

Đặc biệt, tại Đại hội Đại biểu lần thứ 13, Đảng ta đã tiếp tục xác định và đưa nhiệm vụ “… chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số,…” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội 13 và cũng là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, đã một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của cuộc cách mạng lần thứ 4 đối với sự phát triển của đất nước, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc nắm bắt thời cơ, các cơ hội và thành tựu từ cuộc cách mạng lần thứ 4 để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho biết bản chất của Tòa án điện tử là chuyển đổi số các hoạt động của Tòa án. Trong đó, cốt lõi là chuyển đổi số hoạt động tố tụng để hình thành lên một phương thức tố tụng mới trên nền tảng số. Về mô hình tổng thể, Tòa án điện tử có các thành phần sau: Hệ thống Tố tụng điện tử; Hệ thống hỗ trợ cho Thẩm phán (Trợ lý ảo); Kênh giao tiếp điện tử; Hệ thống quản lý, điều hành; Phân hệ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin

Tuy nhiên, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin – là một bước trong tiến trình xây dựng Tòa án điện tử, khi triển khai trên thực tế còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin của Tòa án các cấp: Tính đến thời điểm nay, ngoại trừ Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh được đầu tư trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở mức độ cơ bản, các Tòa án còn lại hạ tầng công nghệ thông tin rất yếu kém, lạc hậu. Về nguồn nhân lực công nghệ thông tin: Nguồn nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin của Tòa án nhân dân địa phương còn thiếu và yếu, chủ yếu là kiêm nhiệm…

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Tòa án điện tử bảo gồm:

(i) Hoàn thiện nền tảng pháp lý

(ii) Xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử.

(iii) Đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả các hệ thống công nghệ thông tin hiện có.

(iv) Phát triển hạ tầng số

(v) Phát triển các hệ thống công nghệ thông tin số; cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ sơ vụ án và các dịch vụ công của Tòa án

(vi) Bảo đảm các nguồn lực triển khai Tòa án điện tử

(vii) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng

Lộ trình triển khai Toà án điện tử

Giai đoạn 2021 – 2022: Hoàn thiện nền tảng pháp lý; xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử; đẩy mạnh ứng dụng các hệ thống công nghệ thông tin hiện có; triển khai một số nhiệm vụ trong hạng mục phát triển hạ tầng số; bảo đảm nguồn lực triển khai Tòa án điện tử

Giai đoạn 2023 đến 2024: Tập trung hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng số trong toàn hệ thống Tòa án; phát triển các hệ thống công nghệ thông tin số, cơ sơ dữ liệu quốc gia về hồ sơ vụ án và các dịch vụ công của Tòa án; tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn lực triển khai Tòa án điện tử và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Giai đoạn 2025 và các năm tiếp theo: triển khai đồng bộ các hoạt động tố tụng và từng bước nâng cao tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết các vụ việc bằng hình thức điện tử; tiếp tục hoàn thiện nền tảng pháp lý, các hệ thống công nghệ thông tin trên cơ sở tổng kết thực tiễn triển khai Tòa án điện tử trong các giai đoạn từ năm 2021-2024 làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện Tòa án điện tử tiến tới xây dựng Tòa án số.

Chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử là xu thế toàn cầu và không thể đảo ngược. Đối với Tòa án cũng vậy, xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới; đây cũng chính là việc thực hiện cam kết của TANDTC Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN (đó là đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử).

Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT ông Nguyễn Huy Dũng và Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Nguyễn Đình Chiến đã giới thiệu tổng quát về nền tảng của Tòa án điện tử và phần mềm Trợ lý ảo hỗ trợ cho các chức danh tư pháp của TAND.

Ông Kim Tae Joon, Thẩm phán –Giám đốc Dự án tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Toà án Việt Nam đã giới thiệu về phần mềm quản lý án xây dựng cho Tòa án Việt Nam.

Những giải pháp tổng thể triển khai Tòa án điện tử

Trước hết, Lãnh đạo Toà án các cấp cần phải đổi mới tư duy và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực này. Cụ thể, cần quan tâm hơn nữa trong việc hoạch định chính sách, kế hoạch và xây dựng chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin để tổ chức triển khai có hiệu quả trong hệ thống Tòa án nhân dân; tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi đến mọi đối tượng nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức về các lợi ích của chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử.

Thứ hai, sớm hoàn thiện môi trường pháp lý theo hướng cho phép ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ hoạt động tố tụng; sớm ban hành quy trình, thủ tục hành chính một cửa liên thông áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống Toà án thì việc ứng dụng công nghệ thông tin mới đạt hiệu quả tốt.

Thứ ba, tăng cường công tác cải tiến, thực hiện chuẩn hóa nghiệp vụ, sơ đồ hóa quy trình nghiệp vụ, quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý văn bản điện tử theo hướng đơn giản và cải cách thủ tục hành chính để công tác ứng dụng công nghệ thông tin được thuận lợi, hiệu quả hơn.

Thứ tư, đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng số và chuyển đổi số các hoạt động của Tòa án để bảo đảm năng lực vận hành triển khai, kết nối, các hệ thống công nghệ thông tin từ Trung ương đến địa phương thuận tiện, nhanh chóng, ổn định, an toàn, an ninh thông tin dữ liệu; xây dựng mô hình liên hiệp định danh quốc gia, tận dụng tối đa các hình thức xác thực điện tử để tiết kiệm được thời gian, chi phí cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia giao dịch điện tử với Tòa án.

Thứ năm, vấn đề nguồn nhân lực luôn là chìa khoá để giải quyết mọi vấn đề đặt ra đối với bất kỳ loại công việc nào. Đặc biệt trong quá trình triển khai Toà án điện tử thì nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngày càng trở nên cấp thiết và là vấn đề then chốt để triển khai thành công Toà án điện tử.

Thứ sáu, Bảo đảm kinh phí để triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin cho Tòa án nhân dân các cấp đã đề ra theo kế hoạch; phải có cơ chế duy trì, bảo dưỡng hạ tầng công nghệ thông tin đã đầu tư, thường xuyên rà soát, đầu tư nâng cấp, mở rộng các hệ thống phần mềm nhằm bảo đảm các hệ thống công nghệ thông tin phải luôn sẵn sàng cao để phục vụ tốt nhất cho việc thực thi Tòa án điện tử.

Thứ bảy, Luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các dự án quốc tế để tranh thủ sự hỗ trợ, trợ giúp về mặt kỹ thuật và các kinh nghiệm tốt trong việc triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của Toà án trong các lĩnh vực có liên quan.

Lãnh đạo TANDTC và lãnh đạo Bộ TT&TT đã tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo TANDTC và lãnh đạo Bộ TT&TT đã tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa 2 đơn vị và cùng giải đáp các thắc mắc của các điểm cầu tham dự trực tuyến. Kết thúc Hội nghị, lãnh đạo hai bên thống nhất rằng trong quá trình thực hiện sẽ gặp những khó khăn nhất định, tuy nhiên sẽ cố gắng giải quyết mọi vấn đề một cách sớm nhất..