Hàng loạt sự kiện dự kiến sẽ diễn ra trong Ngày Chuyển đổi số Quốc gia tại TP.HCM (10/10) như: Tọa đàm lãnh đạo an toàn thông tin (25/8); Hội thảo và triển lãm quốc tế An toàn thông tin (26/8); Diễn tập thực chiến an toàn thông tin (7-9/9)…

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (người đứng) và ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch VNISA phía Nam tại họp báo chiều ngày 9/8.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết hội thảo cùng chuỗi các sự kiện an toàn thông tin 2022 được tổ chức trong bối cảnh công nghệ số, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta, tạo ra những phương thức quản lý mới của Chính phủ đối với tài nguyên, môi trường, doanh nghiệp, con người… và hiện thực các mô hình kinh tế gần như hoàn toàn trên môi trường số.

“Việt Nam không chỉ bám sát, theo đuổi các xu hướng chuyển đổi số mà còn đang cố gắng vượt lên, dẫn đầu trong một số lĩnh vực. Quan trọng hơn,  ứng dụng công nghệ sẽ tạo cơ hội giúp đất nước có những sức bật mới để trở thành nước phát triển”, bà Trinh cho biết thêm.

Tuy nhiên trên thực tế, chỉ có rất ít con đường để thành công nhưng có vô vàn yếu tố làm cho chuyển đổi số thất bại. Người dân sẽ quay lưng với chuyển đổi số khi mà ứng dụng lại không hoạt động (mất tính khả dụng) khi họ cần; thông tin cá nhân của họ bị rò rỉ (mất tính bảo mật) khi họ sử dụng chuyển đổi số. Đó cũng là các bài toán căn bản của an toàn thông tin.

Chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia cũng khẳng định: “Đảm bảo an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế”.

Ông Ngô Vi Đồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Chủ tịch Chi hội VNISA phía Nam, cho biết: “Trước những đòi hỏi và thách thức toàn cầu mới, chúng ta cần một tư duy mới trong chiến lược đảm bảo an toàn, an ninh mạng ở mọi cấp độ từ Chính phủ đến các cơ quan doanh nghiệp và kể cả người dân. Đảm bảo an toàn, an ninh mạng là bảo vệ tài nguyên số quốc gia, tài sản số của các cơ quan doanh nghiệp và của chính người dân”.

Chi hội VNISA phía Nam cũng sẽ có báo cáo về bức tranh tổng thể an toàn thông tin của khu vực phía Nam cũng như tình hình an ninh thông tin chung của Việt Nam và thế giới, một số cảnh báo, phòng ngừa và các khuyến nghị thiết thực với các cơ quan, doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra song song với những thách thức toàn cầu mới.

https://vneconomy.vn/nhieu-su-kien-an-toan-thong-tin-huong-den-ngay-chuyen-doi-so-quoc-gia-tai-tp-hcm.htm