Bãi biển Nha Trang, một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam – Ảnh: Bảo Thư

Bắt đầu từ tháng 5/2021 Chương trình “Làm sạch biển” giai đoạn 2021 – 2026 do Tòa án nhân dân tối cao với đơn vị trực tiếp thực hiện là Tạp chí Tòa án nhân dân, phối hợp cùng Bộ Tài nguyên – Môi trường – đơn vị thực hiện là Trung tâm Truyền thông tài nguyên – môi trường và Đài Truyền hình Việt Nam chính thức được triển khai.

Hiểm họa rác

Chuẩn bị đón khách du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, trong hai ngày 25 và 26/4, phường Bãi Cháy, Tp Hạ Long, Quảng Ninh phải huy động hơn 300 Đoàn viên Thanh niên, Hội Phụ nữ và cán bộ, công chức ra dọn vệ sinh môi trường 3 km bãi biển khu vực bãi tắm Bãi Cháy. Trong hai ngày, chỉ với 3 km mà hơn 3 tấn rác thải gồm các loại túi ni lon, chai nhựa và cành cây dọc bờ biển thuộc khu vực bãi tắm Bãi Cháy đã được thu gom. Con số đó đủ thấy lượng rác thải trên các bãi biển dọc theo chiều dài đất nước khổng lồ đến đâu… Nếu không có đợt huy động dọn rác này thì Bãi Cháy làm nản lòng du khách vì rác, bởi lẽ tự nhiên không ai muốn nghỉ ngơi, thư giãn bên những đống rác.

Rác thải thật sự là một vấn đề rất nghiêm trọng đối với các bãi tắm biển nói riêng và môi trường biển nói chung. Ở bãi biển Nha Trang, đoạn từ Bưu điện tỉnh Khánh Hòa cho đến Quảng trường 2 tháng 4 là nơi có đông người dân tắm biển, không khó để nhận thấy nhiều đoàn khách mang theo thức ăn, bia, nước ngọt… tổ chức ăn uống trên bãi biển. Ngoài một số người chủ động gom rác vào bao thì cũng không ít người tùy tiện thải rác trên bãi biển. Ngoài ra, tình trạng buôn bán hàng rong cũng góp phần thải ra một lượng rác trên bãi biển Nha Trang.

Đây cũng là tình trạng chung ở tất cả các bãi biển từ Bắc chí Nam. Nhiều bãi biển đẹp như Vịnh Hạ Long, một số đảo như Cát Bà, Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm… đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải nhựa. Có thể nói khách du lịch đổ về mang theo nguồn rác thải từ vỏ chai, vỏ hộp thực phẩm, kem chống nắng… để lại trên các bãi tắm.

Ngoài nguồn rác thải xả trực tiếp trên các bãi biển, phần lớn rác thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền theo các con sông đổ ra biển, các hoạt động kinh tế- xã hội diễn ra trên đất liền và trên biển đã thải ra sông, biển hàng nghìn tấn chất thải sinh hoạt mỗi năm. Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, bao bì phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật thường bị vứt bỏ ngay ngoài đồng ruộng. Các loại rác này sẽ theo dòng nước mưa chảy vào các sông và đổ ra biển. Bên cạnh đó, bão, lốc xoáy, lũ lụt và lở đất… cũng góp phần mang những vật có kích thước và khối lượng lớn ra biển một cách dễ dàng.

Rác có thể đến từ tàu thuyền, nhà giàn khai thác dầu… Các tàu chuyên chở cỡ lớn, nếu bị đắm hay gặp tai nạn, sẽ thải biển ra một lượng vật dụng khổng lồ. Ngoài ra, các giàn khoan dầu mỏ và khai thác khí tự nhiên ngoài khơi cũng tạo ra nhiều loại rác nguy hại cho môi trường biển, như các dụng cụ bảo hộ lao động, găng tay, thùng chứa dầu…

Rác thải nhựa mang theo các loại hóa chất vào môi trường biển có thể gây ra phơi nhiễm các chất độc hại cho các sinh vật biển và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), rác thải nhựa chiếm khoảng từ 50% đến 80% lượng rác thải biển. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có lượng chất thải xả ra biển nhiều thứ tư trên thế giới, với khối lượng khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới).

Mỗi năm có gần 2 tỉ tấn rác được thải xuống biển, một phần rác thải này chìm xuống biển nhưng một phần rất lớn số rác thải này  theo thuỷ triều lại từ ngoài biển dạt vào bờ. Do đó, rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng đang là một hiểm họa đối với môi trường biển, liên quan trực tiếp đến chất lượng hải sản ngư dân đánh bắt trên biển, đến hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng ven biển và môi trường sống nói chung. Do đó, dọn sạch rác thải trên bờ biển là một thách thức rất lớn đang được đặt ra hiện nay.

Chung tay “Làm sạch biển”

Trước thực trạng rác thải hủy hoại môi trường biển, Tòa án nhân dân tối cao với đơn vị trực tiếp thực hiện là Tạp chí Tòa án nhân dân, phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường – đơn vị thực hiện là Trung tâm Truyền thông tài nguyên – môi trường và Đài Truyền hình Việt Nam triển khai thực hiện Chương trình “Làm sạch biển” giai đoạn 2021 – 2026.

Chương trình tập trung vào việc thu gom, dọn sạch rác thải biển, tìm ra các phương án xử lý rác thải phù hợp và tổ chức lắp đặt thêm những thùng rác công cộng tại các bãi biển nhằm khuyến khích khách du lịch tại địa phương bỏ rác đúng nơi quy định. Chương trình còn có các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân nói chung và người dân các tỉnh, thành phố ven biển nói riêng trong việc bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển.

Rác thải dạt vào bờ biển Quảng Phúc, TX. Ba Đồn, Quảng Bình – Ảnh: Tiến Dũng/ Báo CT

Hoạt động này nhằm hưởng ứng một cách thiết thực Quyết định số 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Hoạt động này cũng góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 và bảo đảm xây dựng, thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; phù hợp với cách tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở Việt Nam; nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng và xã hội.

Cụ thể, đến năm 2025, đặt mục tiêu giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Đồng thời, thực hiện việc quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 5 lưu vực sông chính tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và tại các đảo có tiềm năng phát triển du lịch thuộc 12 huyện đảo.

Đến năm 2030, đặt mục tiêu giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Đồng thời, mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 11 lưu vực sông chính và tại 12 huyện đảo.

Chương trình “Làm sạch biển” giai đoạn 2021 – 2026 được khởi động từ tháng 5/2021, với sự tham gia của chính quyền các tỉnh, thành phố ven biển, cán bộ, công chức Tòa án nhân dân các địa phương, các đội thanh niên tình nguyện… với ý thức trách nhiệm và quyết tâm cao, chắc chắn sẽ góp phần hiệu quả vào hoạt động giữ gìn, bảo vệ môi trường biển, để biển Việt Nam luôn xanh, sạch, đẹp, gìn giữ tài nguyên 3200 km bờ biển tuyệt đẹp của đất nước.

Nguồn Tạp chí Tòa án nhân dân