Kienlongbank (UPCoM: KLB) công bố kết quả 9 tháng, thực hiện gần 88% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, tương đương hơn 878 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Riêng quý III, ngân hàng lãi 72 tỷ đồng, tăng 76%.

Tổng tài sản vượt 113,38% kế hoạch năm, ở mức 75.485 tỷ đồng, cao hơn 31% so với đầu năm. Dư nợ cấp tín dụng thực hiện 80% chỉ tiêu năm, tương đương 47.450 tỷ đồng. Huy động vốn thị trường 1 đạt 92,04% kế hoạch năm.

SHB (HoSE: SHB) vừa công bố kết quả 9 tháng với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 5.055 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) là 1,5%, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25,6%. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập dưới 30%.

Tính đến 30/9, tổng tài sản đạt 464.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so với thời điểm đầu năm, vượt kế hoạch năm. Vốn tự có của ngân hàng đạt hơn 43.300 tỷ đồng. Vốn điều lệ hiện là 19.260 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng lên 26.674 tỷ đồng trong năm nay theo phương án đã được NHNN chấp thuận.

HDBank (HoSE: HDB) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng, hoàn thành 82% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, tương đương 5.970 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ thấp dưới 1%.

Đến ngày 30/9, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 346.000 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Dư nợ tăng 16,1% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ duy trì thấp dưới 1%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 1,4%. Dư nợ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao và nợ tái cơ cấu được kiểm soát tốt.

Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng vượt 12.100 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động dịch vụ tiếp tục là điểm sáng trong 9 tháng đầu năm, với thu nhập thuần tăng 88,6%. Thu thuần từ dịch vụ tại ngân hàng mẹ đạt gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước nhờ sự khởi sắc của các mảng banca và dịch vụ thanh toán. Chi phí hoạt động được tối ưu hóa với hệ số chi phí/tổng thu nhập hoạt động giảm từ 43,8% tại 30/9/2020 xuống còn 39%.

ROE đạt 24%, tăng mạnh so với mức 21,1% cùng kỳ năm trước. An toàn vốn, thanh khoản được đảm bảo với CAR (Basel II) đạt 13%.

TPBank (HoSE: TPB) là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả 9 tháng, thực hiện 75% kế hoạch lãi trước thuế cả năm, tương đương 4.350 tỷ đồng, cao hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy riêng quý III, nhà băng lãi 1.344 tỷ đồng, tăng 36%.

Tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đạt 9.868 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng 15%, được ngân hàng nhận định là mức khả quan so với bối cảnh nhiều trung tâm kinh tế lớn trên cả nước bị giãn cách xã hội kéo dài. Thu lãi thuần từ dịch vụ cũng tăng 30% đạt 1.052 tỷ đồng.

Đến 30/9, tổng tài sản ở mức 260.328 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm và vượt hơn 4% kế hoạch. Trong quý III, TPBank đã tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, nâng tổng số vốn điều lệ của ngân hàng lên hơn 11.716 tỷ đồng, thông qua hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Bên cạnh đó, tổng huy động đến cuối tháng 9 đạt 230.644 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt xấp xỉ 4% kế hoạch cả năm. Hệ số an toàn vốn (CAR) được ghi nhận là 13,43%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 8% do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,02%, giảm so với mức1,1% cuối tháng 6.

Tổng chi phí hoạt động 3 quý tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số chi phí hoạt động trên thu nhập  trong một năm qua đã giảm từ 40% xuống 31,7%. Các chỉ số hiệu quả sử dụng vốn ROA và ROE lần lượt là 2% và 22,6%.

SeaBank (HoSE: SSB) mới đây cũng công bố kết quả 9 tháng, ghi nhận tổng tài sản gần 198.229 tỷ đồng, tương đương 99,7% kế hoạch năm, tăng gần 10% so với đầu năm. Cho vay khách hàng 113.139 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm, tương đương 92% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,68%.

Ngân hàng cũng cho biết tỷ lệ chi phí trên thu nhập ở mức 35,35%. Trong khi đó thu thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 181%. Các hoạt động ngân hàng điện tử tăng tốc, với số lượng người dùng mở ebank mới tăng 130% và số giao dịch trực tuyến tăng 191% so với cùng kỳ 2020.

NCB (HNX: NVB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 205,6 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần tăng 30,9% mang về 1.088 tỷ đồng; lãi thuần từ dịch vụ tăng mạnh 254% mang về hơn 101 tỷ đồng trong khi đó mảng kinh doanh ngoại hối ghi nhận sụt giảm 35,4% so với cùng kỳ.

Đến 30/9, tổng tài sản hơn 81.100 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cuối năm trước. Cho vay khách hàng tăng 2,5% ở mức  41.341 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng giảm 3,6% còn 68.904 tỷ đồng.

Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 31,5% lên 800 tỷ đồng, nâng tỷ trọng tron cơ cấu từ 1,51% cuối năm trước lên 1,94%.

Vừa qua, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research cũng đưa ra một số ước tính về kết quả kinh doanh của ngân hàng. Đơn cử tại Techcombank (HoSE: TCB), SSI Research kỳ vọng Techcombank có thể đạt 5.200 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý III, tương đương mức tăng 35,7% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 16% từ đầu năm. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế tăng 56,2% lên 16.700 tỷ đồng.

Lợi nhuận Techcombank quý III có thể vượt qua Vietcombank (HoSE: VCB). SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế quý III của Vietcombank tăng 0,3% lên 5.000 tỷ đồng nhờ tín dụng tăng trưởng khoảng 11,5% và lượng tiền gửi cũng tăng 7,3% so với đầu năm. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 18.600 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ.

Hay với ACB (HoSE: ACB), SSI Research ước tính tăng trưởng tín dụng của ngân hàng chậm lại, đạt khoảng 7-8% so với đầu năm hoặc 12% so với cùng kỳ tại thời điểm cuối tháng 9.

Nguồn Người Đồng Hành