Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng dùng từ “phấn đấu” để phù hợp với quy định của pháp luật và thể hiện quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước cùng các tổ chức tín dụng trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Phát biểu giải trình trước Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết khi xây dựng đề án, Chính phủ đã cân nhắc hết sức kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá tổng thể dư địa các chính sách trong chương trình.
Theo đó, khi triển khai chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, Chính phủ đã trình các cấp có thẩm quyền cho sử dụng dư địa chính sách tiền tệ. Bởi vậy, trong chương trình kích thích này, dư địa chính sách tiền tệ ít, chủ yếu dựa vào chính sách tài khóa.
“Yêu cầu khi thực hiện chương trình này là đảm bảo kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính vì vậy, khi thực hiện đưa tiền ra theo gói của chính sách tài khóa, Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đảm bảo sự linh hoạt của chính sách tiền tệ, vì chính sách tiền tệ, bản chất là ngắn hạn. Việc theo sát diễn biến của thị trường kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo mục tiêu thực hiện chương trình nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Theo thống đốc, do tính chất ngắn hạn của chính sách tiền tệ nên cần sự linh hoạt, theo sát diễn biến thị trường. Chính vì thế, có lúc phải đưa tiền ra, có lúc phải rút tiền vệ. Tại thời điểm xây dựng chương trình này, khó có thể lượng hóa được bao nhiêu là tiền ra từ chính sách tiền tệ.
Về các vấn đề mà các ĐBQH quan tâm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết việc giảm lãi suất là vấn đề mà doanh nghiệp và Quốc hội rất quan tâm. Với ngành ngân hàng, đây cũng được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành.
Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát, NHNN đã tập trung giảm nhanh 3 lần lãi suất điều hành cũng như chỉ đạo các tổ chức tín dụng và điều tiết tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2020 là 1% và 2021 tiếp tục giảm 0,8%.
NHNN cũng đã động viên, khuyến khích, kêu gọi các tổ chức tín dụng miễn giảm lãi vay và giảm phí. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, các hệ thống tổ chức tín dụng giảm cả lãi, cả phí rơi vào gần 40.000 tỷ đồng từ chính nguồn tài chính của các tổ chức tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
“Ở đây, tại sao lại là động viên, khuyến khích? Theo quy định của pháp luật, NHNN không thể bắt buộc các tổ chức tín dụng phải giảm lợi nhuận để giảm chi phí lãi vay. Một số tổ chức tín dụng có tổ chức cổ đông là người nước ngoài. Chính vì vậy, trong quá trình điều hành, chúng tôi điều hành linh hoạt các công cụ đồng thời động viên và kêu gọi các tổ chức tín dụng, nhận đồng thuận cao”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Hiện nay, lạm phát thế giới có xu hướng gia tăng và các ngân hàng trung ương thế giới bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. Trong khi đó, Việt Nam yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất thì thực sự là nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, trong xây dựng chương trình phục hồi này, Chính phủ cân nhắc để đưa ra giải pháp, phấn đấu hệ thống các tổ chức tín dụng giảm 0,5 đến 1% lãi suất cho vay trong 2 năm.
“Với gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, lãi suất từ nguồn ngân sách. Tiền cho vay là tiền huy động từ tổ chức tín dụng và người dân. Trong điều hành, NHNN sẽ điều tiết làm sao để tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, có nguồn cung tín dụng, để đáp ứng được nhu cầu của gói này. Trong thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với bộ, ngành liên quan để tập trung đối tượng, trọng tâm trọng điểm, khắc phục hạn chế của các gói trước”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Theo Tổ Quốc