Nhằm tăng cường công tác hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe kịp thời cho đối tượng F0 cách ly tại nhà, các đối tượng tự làm test nhanh có kết quả dương tính và các đối tượng chưa được xác định là F0 nhưng có các dấu hiệu nghi ngờ qua khai báo y tế, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Tập đoàn VNPT, Công ty Cổ phần FPT, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành triển khai 04 nhóm giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin qua các kênh hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời.

Thứ nhất, sử dụng “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19” và “Hệ thống khai báo y tế điện tử” của Thành phố để theo dõi, cập nhật dữ liệu các trường hợp F0 cách ly tại nhà.

UBND TP Thủ Đức, các quận – huyện, phường – xã – thị trấn thực hiện truy xuất và quản lý danh sách người F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn bằng chức năng “người cách ly” trên phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”.

Đồng thời, quản lý cả những người tự khai báo là F0 qua ứng dụng “khai báo y tế điện tử” do tự làm xét nghiệm, những người có triệu chứng nghi ngờ nhưng chưa được khám tầm soát qua báo cáo của Tổ COVID-19 cộng đồng.

Các đơn vị đảm bảo cập nhật dữ liệu các trường hợp F0 cách ly tại nhà đầy đủ thông tin bao gồm họ tên, chứng minh nhân dân, năm sinh, địa chỉ, điện thoại của cá nhân và đặc biệt là điện thoại của người thân để phục vụ cho hỗ trợ điều trị.

Thứ hai, triển khai phần mềm để tiếp nhận, xử lý, tư vấn, hỗ trợ các yêu cầu chăm sóc y tế các trường hợp F0 cách ly tại nhà

Các Trạm Y tế lập “phiếu theo dõi sức khỏe” của người cách ly tại nhà dựa vào thông tin khai báo y tế hàng ngày của người cách ly qua ứng dụng “Hệ thống khai báo y tế điện tử”. Qua “phiếu theo dõi sức khỏe” để nắm bắt các trường hợp F0 có triệu chứng, nhân viên y tế gọi điện thoại/nhắn tin để thăm hỏi và sàng lọc các triệu chứng nguy cơ, kịp thời thông tin cho tổ phản ứng nhanh của quận – huyện, phường – xã – thị trấn đến vận chuyển người bệnh tới các bệnh viện quận – huyện để điều trị.

Ngoài ra, đối với các trường hợp nghi ngờ F0 thuộc nhóm nguy cơ cao trên địa bàn (người già neo đơn, người có bệnh lý tâm thần…), Đội Y tế lưu động (thuộc Trạm Y tế) thực hiện đến thăm khám tại nhà để kịp thời đưa đến các cơ sở thu dung điều trị.

Thứ ba, triển khai giải pháp trợ lý ảo (chatbot) kết hợp với Tổng đài “1022” đáp ứng nhu cầu tư vấn cho người dân

Hiện nay, để hỗ trợ tư vấn sức khỏe cho người dân về dịch bệnh COVID-19, Sở Thông tin và Truyền thông đã thiết lập các nhánh hỗ trợ trên Tổng đài “1022” như sau: nhánh số 3 – Tư vấn sức khỏe của Hội Y học TPHCM; nhánh số 4 – Tư vấn sức khỏe của Mạng lưới bác sĩ đồng hành.

Ngoài ra, các đơn vị cũng phối hợp xây dựng Hệ thống tư vấn tự động (chatbot) tích hợp trên Hệ thống Khai báo y tế điện tử của TP và Cổng thông tin 1022 để tư vấn sức khỏe cho người dân, hệ thống sẽ được kết nối với Mạng lưới bác sĩ đồng hành để liên hệ xử lý các trường hợp chatbot không thể trả lời được cho người dân.

Thứ tư, tổ chức tập huấn cho các đơn vị tham gia; tổ chức nhân lực để vận hành, khai thác các hệ thống trên

Ngày 05/8/2021, Sở Y tế đã tiến hành tổ chức tập huấn trực tuyến về quy trình quản lý người nhiễm SARS-Cov-2 cách ly tại nhà cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Tiếp đó, ngày 17/8/2021, Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức giao ban trực tuyến triển khai các gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của UBND TP Thủ Đức, quận – huyện và Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, quận – huyện.

Sở Y tế và Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các đơn vị để huy động lực lượng các tình nguyện viên đảm bảo hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động và được giám sát 24/7 để kịp thời hỗ trợ người dân.

Vân Anh / TTBC TP HCM