Năm 2021 hoạt động vận chuyển liên quan đến TMĐT dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, cùng với tổng giá trị hàng hóa từ 15-20% so với cùng kỳ do dân số trẻ của Việt Nam và điện thoại thông minh ngày càng phổ biến.

Dịch Covid-19 khuyến khích làm việc ở nhà và các hoạt động trực tuyến, giúp thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mặc dù thu nhập của người tiêu dùng giảm. Theo số liệu từ Google – Temasek, nền kinh tế Internet Việt Nam đạt tăng trưởng 16% so với cùng kỳ trong năm 2020 lên 14 tỷ USD, đây là mức cao nhất ở Đông Nam Á.

Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 12 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng mạnh nhất được ghi nhận ở mảng giao hàng thực phẩm và hàng bách hóa (tăng 33%), trong khi quần áo và mỹ phẩm tăng lần lượt 5% và 12%. Kết quả này khá hợp lý khi người dân dành nhiều thời gian hơn ở nhà trong thời gian này. Theo Google, nhu cầu có thể thay đổi sau dịch Covid-19, nhưng có tới 94% người dùng mới sẽ tiếp tục mua hàng sau giao dịch thương mại điện tử đầu tiên

Thương mại điện tử phát triển thúc đẩy ngành logistics, đặc biệt là dịch vụ chuyển phát nhanh. Kết quả kinh doanh ngành chuyển phát nhanh trong năm 2020 vẫn khả quan. Lợi nhuận của Viettel Post sau 9 tháng 2020 đã tăng 15% so với cùng kỳ, kết quả này khá ấn tượng bất chấp thời gian giãn cách xã hội vào tháng 4/2020. Theo chứng khoán SSI, ước tính lợi nhuận của ngành sẽ ở mức tăng trưởng hai con số trong cùng thời điểm khi dịch Covid-19 thúc đẩy các hoạt động TMĐT cao hơn.

Mặc dù vậy, các công ty trong ngành cũng đang phải chịu sức ép cạnh tranh quyết liệt khi hàng loạt cái tên mới gia nhập thị trường. Trong giai đoạn 2019-2020, thị trường chuyển phát nhanh tiếp tục có sự cạnh tranh lớn khi chứng kiến sự gia nhập của hai công ty nước ngoài là J&T Express (từ cuối năm 2018) và Best Express (từ cuối năm 2019).

Những công ty này đã khuấy động thị trường bằng thị phần và giá cả. Các công ty này đã đưa mô hình kinh doanh nhượng quyền trong kinh doanh chuyển phát nhanh đến Việt Nam, với lợi thế tốc độ mở rộng nhanh với chi phí thấp so với mô hình thông thường như của VN Post, Viettel Post, GHTK, GHN… Những công ty mới này nhanh chóng giành được thị phần, buộc một số công ty lớn như VN Post và Viettel Post phải giảm giá dịch vụ.

Nhóm phân tích SSI nhận định, trong năm 2021 hoạt động vận chuyển liên quan đến thương mại điện tử dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, cùng với tổng giá trị hàng hóa từ 15-20% so với cùng kỳ do dân số trẻ của Việt Nam và điện thoại thông minh ngày càng phổ biến.

Theo Google, quy mô thị trường thương mại điện tử C2C tại Việt Nam sẽ tăng từ 7 tỷ USD trong năm 2020 lên 29 tỷ USD trong năm 2025, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép là 34% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa ở cả thị trường C2C và B2C có thể dao động từ 15% -20% so với cùng kỳ trong 5 năm tới.

Cạnh tranh vẫn còn gay gắt, nhưng phân khúc thị trường có thể hình thành. Trong năm 2021, các công ty mới nhiều khả năng sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược khuyến mại/giảm giá. Tuy nhiên, sau một vài năm các công ty có thể bắt đầu phân loại thị trường thay vì cạnh tranh trực tiếp. Những công ty nhượng quyền/chi phí thấp sẽ tập trung vào thị trường đại chúng, phân khúc có kỳ vọng thấp hơn về chất lượng xử lý/tính kịp thời, trong khi những công ty thông thường có khả năng tập trung vào thị trường cao cấp hơn.

Một số công ty mới tham gia thị trường khu vực sẽ gia nhập Việt Nam, với dân số gần 100 triệu dân và tiềm năng tăng trưởng thị trường chuyển phát nhanh mạnh mẽ. Giá bán bình quân của ngành có thể có áp lực cạnh tranh nhiều hơn nữa.

Bên cạnh đó, thị trường có thể tiếp tục được mở rộng nhờ Dự thảo nghị định về hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới (do Bộ Tài chính đề xuất) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới được hải quan phân loại là hàng hóa xuất nhập khẩu thông thường, phải chịu các thủ tục và thuế hải quan. Với tình trạng tắc nghẽn hiện tại, thị trường này không phát triển được.

Dự thảo luật nếu được thông qua (dự kiến trong năm 2021) có thể giải quyết một số khó khăn và khơi thông nhu cầu thương mại điện tử xuyên biên giới từ cả người tiêu dùng và người bán hàng trong nước, tạo ra nhiều khối lượng hơn cho các công ty chuyển phát nhanh.