Ngày 14/1/2022, Bảo tàng tỉnh Bình Dương (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch) tổ chức hội nghị triển khai thực hiện lập hồ sơ khoa học Cây di sản Việt Nam, Cây cổ thụ có giá trị lịch sử – văn hóa trên địa bàn. Từ đó, tuyên truyền, phổ biến giá trị cây xanh đến người dân và thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Bình Dương đã triển khai Kế hoạch số 76/KH-SVHTTDL ngày 15/10/2021 của Sở văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương về mục đích, yêu của Kế hoạch là: Tổ chức khảo sát, thống kê, lập danh mục và lý lịch khoa học các cây xanh có giá trị lịch sử, văn hóa nhằm đề xuất các cá thể quý hiếm để tuyển chọn, vinh danh Cây di sản Việt Nam và công nhận các địa chỉ bảo tồn mảng xanh đô thị tại các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng.

Hội nghị triển khai công tác do Bảo tàng Bình Dương tổ chức

Qua đó tuyên truyền, phổ biến giá trị cây xanh đến người dân và thực hiện công tác bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Cụ thể nội dung của kế hoạch gồm: Tổ chức khảo sát, thống kê, thu thập thông tin, lập danh mục và lập lý lịch toàn bộ cây xanh trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí về tuổi, chiều cao, chu vi… các giá trị đặc hữu, giá trị lịch sử, văn hóa, với các tiêu chí sau:

Tiêu chí Cây di sản: Cây tự nhiên sống trên 200 năm, cao trên 40m, chu vi 6m đối với thân gỗ đơn; cao trên 25m, chu vi 15m đối với cây đa, si thuộc chi Ficus. Cây trồng sống trên 100 năm, cao trên 30m, chu vi 3,5m đối với thân gỗ đơn; cao 20m, chu vi 10m đối với cây đa, si thuộc chi Ficus (chu vi tại vị trí 1.3m tính từ mặt đất lên phía trên ngọn), có hình dáng đặc sắc, ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử.

Tiêu chí Cây cổ thụ có gía trị lịch sử – văn hóa: Cây có độ tuổi trên 50 năm, đường kính trên 50cm (tại vị trí 1.3m tính từ mặt đất lên phía trên ngọn), cây có giá trị lịch sử gắn với các sự kiện của Đảng, Nhà nước, các sự kiện lịch sử, văn hóa, công tích của các bậc tiền nhân, gắn với các nhân vật lãnh tụ cao cấp, danh nhân, nhà văn hóa lớn của đất nước trồng lưu niệm.

Dựa trên các tiêu chí, phân loại, xây dựng hồ sơ khoa học và đề xuất danh mục tuyển chọn Cây di sản Việt Nam, Cây cổ thụ có giá trị lịch sử – văn hóa do Hiệp hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Hội sinh vật cảnh Việt Nam khởi xướng, thông qua Hội đồng khoa học, gồm: Hồ sơ Cây di sản (danh sách, lý lịch cây xanh, ảnh màu, định vị trên bản đồ phân bố và các tài liệu liên quan khác), Hồ sơ khoa học Cây cổ thụ có giá trị lịch sử – văn hóa (Bản đề nghị công nhận, Bản cam kết chăm sóc và bảo vệ, Biên bản thẩm định, Bộ ảnh màu…).

Trên cơ sở đó, Bảo tàng tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản công nhận các địa chỉ bảo tồn mảng xanh đô thị như: các đình, chùa, di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, phổ biến rộng rãi đến người dân và xây dựng quy chế bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực mảng xanh đô thị.

Xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ và tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị cây xanh trên địa bàn, cụ thể là: Đánh giá công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy các giá trị, tuyên truyền, giáo dục, gắn kết với các hoạt động khai thác du lịch. Xây dựng các nội dung tuyên truyền liên quan đến các quy định pháp luật về bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường cảnh quan đô thị, bảo vệ mảng xanh tại các đình, chùa, di tích, nghiêm cấm tất cả các hoạt động xâm lấn, tổn hại. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua việc xây dựng các tài liệu phổ biến về vai trò, giá trị cây xanh, các mô hình hiệu quả trong việc bảo vệ, chăm sóc cây xanh, lồng ghép, gắn kết nội dung tuyên truyền vào các lĩnh vực chuyên môn của các hoạt động văn hóa, du lịch.

Căn cứ tình hình thực tế, Bảo tàng tỉnh tham mưu Quyết định thành lập Hội đồng khoa học, Đoàn khảo sát lập hồ sơ khoa học Cây di sản, Cây cổ thụ có giá trị lịch sử – văn hóa với số lượng, thành phần phù hợp, để hoàn thành tốt Kế hoạch của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương trong thời gian sớm nhất.

Minh Yến