Quyết định này thay thế và hủy bỏ Quyết định 2655/2020 của UBND TP HCM ban hành Kế hoạch hành động về xây dựng Đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố.

UBND TP HCM vừa có Quyết định 318/2022 về ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố giai đoạn 2020-2035” năm 2020-2025.

Quyết định này thay thế và hủy bỏ Quyết định 2655/2020 của UBND TP HCM ban hành Kế hoạch hành động về xây dựng Đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố.

Theo đó, TP HCM sẽ xây dựng và phát triển khu vực phía Đông thành phố (TP Thủ Đức) thành Đô thị sáng tạo, tương tác cao, là khu vực dẫn dắt kinh tế thành phố và Vùng thành phố trong các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao.

Kế hoạch đưa ra nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị để tổ chức triển khai Đề án đạt hiệu quả nhất, giám sát quá trình thực hiện và đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu đề ra.

Đến năm 2025, sẽ lập định hướng khung phát triển và chiến lược, xây dựng cơ chế – tổ chức, xác định nhóm ngành ưu tiên, thiết lập hợp phần 3 Nhà (Nhà nước – Nhà đầu tư – Nhà giáo dục). Đồng thời phê duyệt và công khai quy hoạch chung TP Thủ Đức và quy hoạch phân khu các khu vực trung tâm đổi mới sáng tạo.

TP HCM đặt chỉ tiêu 25% dân số ở TP Thủ Đức sử dụng phương tiện công cộng sau 5 năm tới; Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TP HCM cũng đạt ra nhiều chỉ tiêu đến năm 2025: tỉ trọng GDP tăng trưởng sau 5 năm; thu hút 50.000 dân cư đến sinh sống và làm việc, trong đó có khoảng 20.000 kỹ sư và chuyên gia; số lượng các phát minh, sáng chế tăng trưởng 100% sau 5 năm.

Hình thành quỹ đất phát triển khoảng 100ha, tập trung chính vào các trụ cột kinh tế sáng tạo có sẵn như Khu công nghệ cao, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Đại học Quốc gia thành phố.

Phát triển quỹ đất công nghiệp sáng tạo khoảng 50ha; xây dựng thêm 500.000m2 sàn văn phòng hạng A, 1 triệu m2 sàn hạng B, C và 1 triệu m2 sàn xưởng.

Tăng trưởng 50% diện tích sàn trường đại học, trường dạy nghề sau 5 năm và nâng cao chất lượng.

Đạt mức 25% dân số sử dụng phương tiện công cộng; tăng 60% số km đường phục vụ giao thông công cộng sau 5 năm; hình thành dự án và nguồn vốn cụ thể bổ sung tuyến BRT; nghiên cứu và thực hiện 5 giải pháp đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin vào giao thông công cộng; diện tích sàn công trình xung quanh nhà gia giao thông công cộng trong bán kính 500m tăng 200% sau 5 năm.

Hoàn thành khép kín Vành đai 2 và triển khai xây dựng Quốc lộ 13, Vành đai 3. Hoàn thành dự án tuyến đường sát đô thị số 1 với Bình Dương, triển khai xây dựng cầu Cát Lái, cầu Nhơn Trạch.

Xây dựng, đầu tư hệ thống 5G cho TP Thủ Đức.

Đảm bảo thực hiện an toàn, an sinh xã hội, giảm thiểu thiệt hại cho người lao động và các thành phần hoạt động kinh tế phi chính thức (thay đổi chỗ ở, mất hoặc thay đổi việc làm…) do tác động của các dự án phát triển đô thị và chuyển đổi công nghệ.

Khu đô thị Trường Thọ sẽ là hình mẫu về đô thị tương lai (living lab)

Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, TP HCM sẽ thực hiện 7 nhóm giải pháp. Ở nhóm giải pháp về công tác xây dựng hệ thống chính sách kinh tế – đầu tư, TP HCM sẽ có chính sách phát triển và thu hút hoạt động các ngành kinh tế tại các khu vực trọng điểm, như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu liên hợp thể dục thể thao Rach Chiếc…

Riêng đối với Khu đô thị Trường Thọ, TP HCM sẽ xây dựng một hình mẫu về đô thị tương lai (living lab) để sống, làm việc và nghỉ ngơi với sự thử nghiệm hạ tầng cơ sở lý tưởng, quản lý đô thị bằng công nghệ và dữ liệu chung, thích nghi biển đổi khí hậu, ứng dụng sáng tạo vào các ngành nghệ thuật, giải trí, công nghệ xây dựng và vật liệu sinh thái.

Phan Anh
Nguồn Báo Người Lao Động