Trào lưu khoe ảnh đã được tiêm chủng vắc xin có thể kéo những suy nghĩ lệch lạc cho một bộ phận cư dân còn lại về chính sách của nhà nước hiện tại. “Tại sao người đó được tiêm mà không phải tôi?”.
Gần đây, Việt Nam đẩy nhanh tỷ lệ người dân tiêm chủng ngừa Covid-19. Bên cạnh thông điệp 5K thì vắc xin là yếu tố tiên quyết để một quốc gia sớm đạt miễn dịch cộng đồng, góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Các nước trên thế giới thường sử dụng hình ảnh lãnh đạo quốc gia đang tiêm ngừa Covid-19 để nâng cao ý thức về giá trị quan trọng của vắc xin trong thời điểm này. Đồng thời một số người nổi tiếng, người có ảnh hưởng cũng được sử dụng cho mục tiêu tương tự.
Vì chức phận mà họ được hưởng quyền ưu tiên tiêm chủng trước mọi người dân khác trong cùng quốc gia. Hành vi này giúp khẳng định sự an toàn của loại vắc xin mà đất nước đó đang sử dụng. Đây là hành động vì giá trị nhân văn.
Mọi chuyện sẽ không có gì để bàn nếu gần đây không xuất hiện nhiều hình ảnh trên mạng xã hội Việt Nam khoe bản thân được tiêm chủng. Điều này không đáng được hoan nghênh vì mang nhiều yếu tố tiêu cực.
Chúng ta từng thấy rất nhiều trào lưu trên mạng xã hội Việt Nam, có những trào lưu mang lại ý nghĩa cộng đồng, có những trào lưu lại có tác dụng ngược.
Trong một tuần trở lại đây, là một người quan sát truyền thông, tôi nhận thấy rằng cộng động mạng của nước ta đăng tải hai luồng chủ yếu là hào hứng được tiêm ngừa vắc xin và mệt mỏi chờ đợi lấy mẫu xét nghiệm trong khu vực có ca nhiễm mới hoặc tầm soát.
Những tưởng hai trào lưu đăng tải này không liên quan nhưng thật ra nó đang mâu thuẫn với nhau. Một bên tiêu cực cực độ, một bên sung sướng cực độ.
Trào lưu khoe ảnh đã được tiêm chủng vắc xin có thể kéo những suy nghĩ lệch lạc cho một bộ phận cư dân còn lại về chính sách của nhà nước hiện tại. “Tại sao người đó được tiêm mà không phải tôi?”. Những câu hỏi kiểu như vậy đã bắt đầu xuất hiện.
Điều này gây chia rẽ giữa nhóm được tiêm và chưa được tiêm vắc xin Covid-19. Những người chưa được tiêm có thể cảm thấy bị phân biệt đối xử. Tồi tệ hơn là đối diện với tâm lý tiêu cực vì vắc xin vẫn đang được tuyên truyền là giải pháp cuối cùng cho sức khỏe nhân dân. Câu hỏi quẩn quanh trong nhóm chưa được tiêm có thể là: Tôi sẽ chết nếu nhiễm SARS-CoV-2 vì chưa được tiêm vắc xin chăng?
Ngoài ra, việc chụp ảnh trong lúc nhân viên y tế đang tác nghiệp gây ảnh hưởng tiêu cực đến họ. Việc thăm khám sức khỏe thường và chỉ diễn ra trong không gian kín để đảm bảo sự riêng tư cho cả nhân viên y tế lẫn bệnh nhân. Trong môi trường đó, y-bác sĩ, điều dưỡng hoàn toàn chủ động trong công việc của mình.
Giờ đây, trong một môi trường xa lạ hơn, chắc chắn họ sẽ bỡ ngỡ và cảm thấy không an toàn. Do đó, họ mất một khoảng thời gian để tìm kiếm lại sự bình tâm. Bỗng nhiên ai đó giơ thiết bị ghi hình lên thì cảm giác mất an toàn có thể trở lại. Chính vậy, hãy để họ tự tin nhất, để họ hoàn thành tốt công việc của mình và sức khoẻ của chính bạn.
Chúng ta luôn sợ bị lộ thông tin cá nhân nhưng gần đây, trong trào lưu này, tôi lại cảm thấy mọi người khá thờ ơ với chính thông tin sức khỏe của mình. Ở Mỹ, khá nhiều trường hợp thừa cân khi đăng tải hình ảnh tiêm vắc xin đã bị chế giễu vì hình thể bề ngoài.
Còn tại Việt Nam tình trạng chế giễu này chưa diễn ra nhưng đã có manh nha. Trong đó, một nam nhân viên mặc sơ mi tay dài buộc phải tháo khuy áo, để lộ da thịt đã trở thành đề tài bàn tán của một nhóm bạn bè.
Chưa hết, các thông tin trên giấy xác nhận tiêm chủng với đầy đủ thông tin cá nhân có thể trở thành mục tiêu tấn công của các đối tượng xấu. Cạnh đó, tác dụng phụ của vắc xin luôn tồn tại, việc công khai từng được tiêm có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống cá nhân khi có bất trắc xảy ra.
Hành động văn minh trong đại dịch cũng là cách để cộng đồng lành mạnh hơn. Đừng để các chủ đích hồn nhiên xâm hại đến quyền bình đẳng với người khác.
Chúng ta nên lường trước những bất trắc để tránh sự tiếc nuối và hối hận. Dù đã được chủng ngừa thì vẫn duy trì thực hành thông điệp 5K là điều cần thiết.
Dy Khoa
Nguồn VietnamNet