Chiều 10/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt, chúc mừng và khen thưởng Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam, những “cô gái kim cương” vừa lập thành tích xuất sắc lần đầu tiên tham dự Vòng chung kết giải Vô địch Bóng đá nữ Thế giới (World Cup) 2023.
Cùng dự buổi gặp mặt có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; các đồng chí lãnh đạo: Bộ VHTT&DL, Tổng cục Thể dục Thể thao, Ủy ban Olympic Việt Nam, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, cùng Trưởng đoàn, Huấn luyện viên trưởng, các HLV, bác sĩ và toàn thể các cầu thủ của Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Mọi người vẫn gọi các cầu thủ bóng đá nữ là “những cô gái vàng của thể thao Việt Nam” khi đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trên đấu trường quốc tế trong thời gian vừa qua. Với những thành tích, sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc để lần đầu tiên trong lịch sử Đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia của chúng ta giành được quyền tham dự World Cup 2023, tôi sẽ gọi là những “cô gái kim cương” và “huấn luyện viên kim cương” của thể thao Việt Nam, thể hiện tài năng, trí tuệ, phẩm chất, ý chí, bản lĩnh của người Việt Nam.
Những ngày đầu của Xuân Nhâm Dần, chiến thắng của Đội tuyển Bóng đá nam và nữ được ví như món quà may mắn đầu Năm Mới, lan tỏa năng lượng tích cực đến người hâm mộ cả nước.
Hôm qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Đội tuyển Bóng đá nam và biểu dương, ghi nhận thành tích cao của hai đội tuyển. Hôm nay, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi chân thành cảm ơn và xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất, xin nhiệt liệt biểu dương toàn thể Đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia dưới sự dẫn dắt của Huấn luyện viên Mai Đức Chung và Ban huấn luyện.
Có mặt ở đây hôm nay, không chỉ Đội bóng mà còn có nhiều cơ quan, bộ, ngành, một số doanh nghiệp và sự quan tâm của cả xã hội, nên tôi muốn chúng ta quan sát thực tế, thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe những khó khăn, vất vả của Đội tuyển Bóng đá nữ để có những giải pháp trước mắt, lâu dài đối với sự phát triển của bóng đá nữ nói riêng và các môn thể thao thi đấu, không chỉ là thể thao đỉnh cao nói chung. Chúng ta cần có giải pháp để làm sao sau khi lá cờ Tổ quốc được kéo lên để tôn vinh những tập thể và cá nhân xuất sắc thì cuộc sống của những vận động viên được đảm bảo, nhất là sau khi giải nghệ.
Vì sao tôi gọi là những “cô gái kim cương” của thể thao Việt Nam? Chúng ta thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà các em đã trải qua để cống hiến cho nền bóng đá nữ nước nhà. Tôi muốn nhấn mạnh tới cả hành trình từ lúc đến với bóng đá đến thực tế cuộc sống của những vận động viên sau khi giải nghệ. Thật sự chúng ta cần suy nghĩ. Khó khăn đầu tiên là các em phải vượt qua được định kiến vì sự nghiệp “quần đùi, áo số” thông thường chỉ dành cho nam giới và những rủi ro nghề nghiệp các em phải đối mặt. Tôi biết nhiều em có mặt ở đây hôm nay đã rất khó khăn để thuyết phục được cha mẹ, khó khăn vượt qua định kiến của xã hội về phụ nữ đá bóng. Chưa kể thời gian tập luyện, xa nhà cũng là bất tiện lớn. Nếu không có bản lĩnh, sự đam mê, ý chí cháy bỏng, chắc chắn các em đã không thể tham gia được. Khía cạnh thứ hai tôi muốn đề cập là khi chọn bóng đá là nghề nghiệp, các em phải đối mặt với vất vả của cuộc sống khi đồng lương còn eo hẹp, thậm chí không đủ trang trải cuộc sống. Lương cơ bản các em nhận được khoảng 5 triệu/tháng, có khi còn thấp hơn. Vì vậy, nhiều em đã phải làm thêm nghề phụ để kiếm sống, để theo đuổi đam mê như bán hàng online, làm nông nghiệp…
Thực tế trăn trở nữa là khi các em giải nghệ, không phải ai cũng may mắn có được cuộc sống, nghề nghiệp với thu nhập ổn định. Nhiều em cống hiến cả tuổi trẻ cho bóng đá, sau trở về cuộc sống đời thường vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do không có việc làm, thu nhập bấp bênh như bán hàng, làm ruộng, kinh doanh nhỏ lẻ… Trong thực tế, bóng đá nữ dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế, còn nhiều bất cập… Hành trình từ khi đến với bóng đá đến khi giải nghệ, thu nhập để trang trải cuộc sống của các em là điều tất cả chúng ta đều trăn trở, suy nghĩ về sự cống hiến, quan tâm và chế độ đãi ngộ với các em.
Vì sao tôi gọi là những “cô gái kim cương” của thể thao Việt Nam? Nhìn lại những gì các em phải đối mặt và thành tích các em đạt được, chúng ta rất ngưỡng mộ và đánh giá cao. Trong khó khăn, các em đã vươn lên để khẳng định mình. Các em đã thi đấu với hoàn cảnh đặc biệt, thời điểm đặc biệt trước các đối thủ lớn. Tôi biết có những cầu thủ đã khóc khi Tết không được đoàn tụ gia đình. Tôi biết, các em ước mong từng ngày về nước để được gặp mẹ cha, người thân… Và hoàn cảnh trớ trêu khác nữa là đúng vào thời điểm chuẩn bị thi đấu, đa số các thành viên Đội tuyển bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nên gặp rất nhiều khó khăn do sức khỏe, thể lực chưa kịp hồi phục. Hơn thế nữa, các em phải luyện tập thi đấu với áp lực cao trong thời tiết nắng nóng. ”Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Các em đã vượt qua tất cả để mang vinh quang cho Tổ quốc, mang niềm vui, sự ngưỡng mộ của người hâm mộ, truyền cảm hứng cho mọi người dân Việt Nam. Hình ảnh những cô gái bé nhỏ, ướt đẫm mồ hôi, chạy mải miết trên sân cỏ rộng lớn để thi đấu với các đối thủ cao lớn hơn, có kinh nghiệm hơn vẫn in đậm trong mỗi chúng ta.
Vì sao tôi gọi Huấn luyện viên trưởng Mai Đức Chung là “huấn luyện viên kim cương” của thể thao Việt Nam? Anh Chung là người có công rất lớn và được lịch sử bóng đá Việt Nam ghi nhận là người đã ghi danh bóng đá nữ Việt Nam trên bản đồ bóng đá nữ thế giới. Hình ảnh của huấn luyện viên trưởng tài năng, gần gũi, thân thiện chỉ bảo cho học trò đã ghi dấu ấn đậm nét đối với mỗi người yêu bóng đá Việt Nam. Cuộc sống của bóng đá nữ còn gặp nhiều khó khăn luôn là nỗi niềm của anh Chung. Tôi hiểu anh Chung luôn trăn trở, hiểu rõ nhất sự vất vả và thương các học trò của mình. Bên cạnh tài năng, anh Chung còn là người có trách nhiệm, có trái tim cao đẹp và ý chí, bản lĩnh với bóng đá Việt Nam, có tấm lòng và sự truyền cảm hứng, truyền niềm tin đến các thế hệ cầu thủ bóng đá nữ mới có thể tạo nên được thành tích như ngày hôm nay. Hình ảnh huấn luyện viên kiên trì, kiên nhẫn theo bóng đá nữ Việt Nam bao nhiêu năm qua có lẽ là một trong những hình ảnh đẹp nhất của bóng đá Việt Nam. Tôi biết năm nay anh Chung đã 71 tuổi, nên sự dẫn dắt đội bóng hiện nay là một sự cố gắng và cống hiến rất lớn của anh Chung, trong điều kiện sức khỏe của anh. Kết quả này phản ánh bước tiến vững chắc của bóng đá nữ Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang là Đội vô địch SEA Games nhiều nhất ở khu vực. Để có được những “trái ngọt” đó, chúng ta ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, của Ban huấn luyện; của Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của các cán bộ, bác sĩ, y tá, của gia đình, người thân, các câu lạc bộ nơi cầu thủ thi đấu, của sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp và sự cổ vũ, chia sẻ, cảm thông của người hâm mộ.
Tôi cũng đưa ra một tin vui là trong những ngày gần đây, xã hội đã dành tình cảm và sự lan tỏa rất lớn về thành tích của đội bóng đá nữ Việt Nam. Đó là sự cảm thông, chia sẻ, ngưỡng mộ và niềm tin đối với đội bóng. Đây là những giá trị tinh thần không gì có thể so sánh được mà người hâm mộ dành cho “huấn luyện viên kim cương” và những “cô gái kim cương” của chúng ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta cũng rất quan tâm, tự hào, vui mừng trước kết quả của chúng ta. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với thể thao nói chung và với bóng đá nữ nói riêng.
Tôi chia sẻ những điều này để muốn nói lên thông điệp: Chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến bóng đá nữ. Và hôm nay, tôi rất vui vì trực tiếp được nghe những lời chia sẻ, đề xuất, kiến nghị của huấn luyện viên trưởng, của cầu thủ, của cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Về việc này, tôi đề nghị: Các cơ quan chức năng liên quan, trong đó có vai trò quản lý trực tiếp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện các chính sách phù hợp, đồng bộ nhằm phát hiện, bồi dưỡng, tạo điều kiện, hỗ trợ để phát triển nền bóng đá nói chung và bóng đá nữ nói riêng.
Ban hành chính sách để phát triển bền vững, đẩy mạnh bóng đá phong trào, bóng đá trường học, tăng cường đào tạo tài năng trẻ tại các câu lạc bộ, các địa phương. Và tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, Bộ cần phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất chính sách chung để phát triển và quan tâm đến các vận động viên các môn thể thao thi đấu không phải là môn thể thao đỉnh cao để đảm bảo điều kiện luyện tập, chế độ đãi ngộ, việc làm với vận động viên, đặc biệt sau khi giải nghệ.
Bộ Tài chính nghiên cứu có thể thành lập Quỹ phát triển bóng đá nữ với cơ chế hoạt động minh bạch, đúng quy định của pháp luật, ban hành cơ chế, chính sách để tạo nguồn lực tài chính phát triển bóng đá nữ.
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định, định hướng phát triển bóng đá nữ cho các câu lạc bộ, các địa phương; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức trong quá trình hoạt động.
Hôm nay có rất nhiều doanh nghiệp có mặt ở đây và cộng đồng doanh nghiệp nói chung, tôi kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm và hỗ trợ để phát triển nền bóng đá nước nhà nói chung và đặc biệt là bóng đá nữ nói riêng.
Đối với các cổ động viên, tôi cũng là một cổ động viên nhiệt huyết của bóng đá, tôi mong rằng tất cả chúng ta tiếp tục dành cho đội bóng tình cảm và sự yêu mến trong mọi hoàn cảnh. Chiến thắng của đội tuyển bóng đá nữ mang ý nghĩa sâu sắc. Chiến thắng của ý chí kiên cường và sự linh hoạt. Chiến thắng của sự đoàn kết và niềm tin. Chiến thắng của bản lĩnh và ý chí. Chiến thắng của tinh thần “Không có việc gì khó – Chỉ sợ lòng không bền”. Chiến thắng khó khăn, nghịch cảnh – Chiến thắng chính mình. Chiến thắng có giá trị truyền cảm hứng, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội.
Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng, biểu dương những nỗ lực không mệt mỏi và kết quả thi đấu tuyệt vời của Đội tuyển. Xin cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ, đánh giá tích cực, chúc mừng thành tích mà người hâm mộ, bạn bè quốc tế đã gửi tới Đội tuyển.
Với tinh thần chiến thắng chính mình, tôi mong rằng Đội tuyển luôn giữ vững quyết tâm cao để đạt kết quả thi đấu cao nhất ở những giải đấu tiếp theo, trước mắt là bảo vệ thành công “ngôi Hậu” tại SEA Games 31 vào tháng 5 tới. Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế, tiếp tục tập luyện, phát huy, thể hiện hơn nữa tài năng, trí tuệ, phẩm chất, ý chí, bản lĩnh của người Việt Nam, của người phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Chúc các đồng chí, huấn luyện viên trưởng, các cầu thủ và thành viên của các đội tuyển sức khỏe, hạnh phúc, thành công.
Tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao tặng Đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia và Huấn luyện viên trưởng Mai Đức Chung Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước.
Các vận động viên khác của Đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia là: Chương Thị Kiều, Huỳnh Như và Nguyễn Thị Tuyết Dung được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Các vận động viên Thái Thị Thảo, Nguyễn Thị Bích Thùy, Trần Thị Kim Thanh và Phạm Hải Yến được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Thủ tướng cũng đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 29 thành viên của Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam gồm Trưởng đoàn Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam, các vận động viên, bác sĩ, và cán bộ của Đoàn.
Cũng tại buổi gặp mặt, đại diện Văn phòng Chính phủ trao 4,5 tỷ đồng (từ nguồn xã hội hóa); Ủy ban Olympic Việt Nam trao 3,6 tỷ đồng; Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam trao 2 tỷ đồng; Tập đoàn TH trao 1,5 tỷ đồng (bao bồm 1 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật) tặng Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia Việt Nam./.
Nguồn Cổng thông tin điện tử Chính Phủ