Sang năm 2022, nhiều lỗi vi phạm về giao thông sẽ bị xử phạt, trong đó có lỗi xe không sang tên chính chủ. Nhiều người thắc mắc vậy vợ mượn xe của chồng, con mượn xe của bố mẹ đi thì có bị phạt không?
Theo Luật sư Nguyễn Thị Xuyến – Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì hiện nay không có văn bản pháp luật nào giải thích chính xác về lỗi xe không chính chủ. Dư luận gần đây truyền tai nhau tin đồn rằng “đi xe chính chủ” nghĩa là cá nhân, tổ chức chỉ được điều khiển phương tiện giao thông đăng ký dưới tên của mình, nếu không sẽ bị phạt.
Tuy nhiên, việc hiểu như vậy là chưa chính xác. Bởi theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chỉ những trường hợp cá nhân mua, được tặng cho, thừa kế,… xe mà không làm thủ tục sang tên mới bị xử phạt.
Khoản 4 Điều 6 Thông tư 58/2020/TT-BCA có đặt ra yêu cầu đối với việc chuyển quyền sở hữu xe như sau:
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số.
Nếu không thực hiện sang tên trong thời hạn 30 ngày, người sử dụng xe sẽ bị phạt vi phạm theo các mức sau:
– Xe máy: Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng với cá nhân, từ 800.000 đồng – 1,2 triệu đồng với tổ chức (điểm a khoản 4 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
– Xe ô tô: Phạt tiền từ 02 – 04 triệu đồng với cá nhân, từ 04 – 08 triệu đồng với tổ chức (điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Như vậy, có thể khẳng định, trường hợp tham gia giao thông bằng xe đứng tên của người khác mà do mượn hợp pháp từ bạn bè, người thân thì sẽ không bị phạt về lỗi xe không chính chủ.
Do đó, người tham gia giao thông có thể hoàn toàn yên tâm khi mượn xe của người thân để đi đường.
Hải Hà / Dân trí