Đại dịch Covid-19 đã và đang có những tác động to lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội, đe dọa suy thoái kinh tế, thất nghiệp, lạm phát… đặc biệt trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 kể từ ngày 27/4 đang có những diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm, khó lường, khó kiểm soát với đa biến chủng, đa ổ dịch, đa nguồn lây. Cả nước ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng tăng cao, có nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây nhiễm. Đứng trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ đã có nhiều biện pháp trong công tác phòng chống dịch đạt kết quả tốt, góp phần đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Tuy nhiên, công tác khoanh vùng dập dịch vẫn còn đó những khó khăn hạn chế nhất định, một trong những nguyên nhân là do ý thức hạn chế của một bộ phận người dân để dịch bệnh lây lan, làm phát tán nguồn lây nhiễm như: khai báo gian dối, khai báo không kịp thời, cung cấp thông tin sai sự thật, trốn khỏi nơi cách ly y tế, nhập cảnh trái phép… làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 nói riêng và dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nói chung, gây khó khăn cho việc truy tìm ổ dịch, khoanh vùng dập dịch, lây lan dịch bệnh từ người sang người, từ địa phương này qua địa phương khác, làm thất thoát nhân lực, vật lực của đất nước.
Do đó, việc phát hiện và xử lý những hành vi trên là rất quan trọng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những vi phạm trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, đồng thời giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho mọi người dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.
Đối với các hành vi vi phạm về công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm được quy định tại Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007 ngày 21/11/2007 bao gồm các hành vi:
1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật. 3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật. 4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm. 5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm. 6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này. 7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. |
Đối với các hành vi vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 nói chung thì tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự.
Quy định về xử lý vi phạm hành chính
Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP; Nghị định số 49/2016/NĐ-CP; Nghị định số 109/2013/NĐ-CP; Nghị định số 155/2016/NĐ-CP…đối với một số hành vi như sau:
Hành vi tung tin giả về dịch bệnh Covid-19 trên các mạng xã hội bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng (khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP). Nếu tung tin trên các trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng (khoản 3 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP).
Hành vi tăng giá bán khẩu trang, bán cao hơn giá bán niêm yết bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ, niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 01 triệu đồng, trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm thì bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng (khoản 5 Điều 1 Nghị định số 49/2016/NĐ-CP và khoản 3 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP).
Đối với hành vi không khai báo, che dấu dịch Covid-19, tại Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định:
“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời khi phát hiện người khác mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- a) Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm;
- b) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật;
- c) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
- b) Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
- c) Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A”.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm: bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê – bô – la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh. Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra được bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A kể từ ngày 29/1/2020 (theo Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 của Bộ Y tế).
Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế;
- b) Không báo cáo với Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật”.
Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng tùy trường hợp (Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP). Trường hợp từ chối hoặc trốn tránh cách ly làm lây lan dịch bệnh dịch thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người với hình phạt có thể lên đến 12 năm tù (Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015).
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP còn quy định xử phạt một số hành vi như: Đưa tin không chính xác hoặc không kịp thời về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm sau khi công bố dịch hoặc công bố hết dịch theo nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp (Điều 5); không khai báo hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế (Điều 10)…
Hành vi vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định bị phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng. Trường hợp vứt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thông thoát nước mặt trong khu vực đô thị thì bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 07 triệu đồng (điểm c, điểm d khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP).
Hành vi không đeo khẩu trang theo yêu cầu phòng, chống dịch: Cá nhân có hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng Covid-19 có thể bị phạt tối đa đến 300 nghìn đồng (điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP).
Quy định về xử lý hình sự
Để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong thời điểm hiện nay, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh. Theo đó:
Đối với người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi như trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid 19 cho người khác bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự (BLHS) và bị xử lý về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”.
Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi: Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; Không tuân thủ quy định cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội “Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người” theo quy định tại Điều 295 BLHS.
Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán ba, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ…) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 BLHS.
Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo quy định tại Điều 288 BLHS.
Người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 BLHS.
Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 BLHS.
Người có hành vi đã, đang hoặc nhằm đưa trái phép thuốc, vật tư y tế dùng vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra khỏi biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội “Buôn lậu” theo quy định tại Điều 188 BLHS.
Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội “Đầu cơ” theo quy định tại Điều 196 BLHS.
Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 330 BLHS.
Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 BLHS.
Trong các hành vi nêu trên, hành vi không khai báo y tế hoặc khai báo gian dối dễ dàng bắt gặp trong cộng đồng và có ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Đối với người có hành vi nêu trên làm lây truyền dịch bệnh cho người khác có thể bị xử lý hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại Điều 240 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tội phạm và hình phạt được quy định như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; b) Làm chết người. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; b) Làm chết hai người trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”. |
Hiện nay, công tác phòng chống dịch đang được Đảng, Chính phủ cùng toàn bộ các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương tập trung cao độ, với quyết tâm cao nhất nhằm mục đích nhanh chóng dập dịch để ổn định cuộc sống của người dân, phát triển kinh tế- xã hội… Trong thời gian tới dịch bệnh Covid-19 có thể sẽ có diễn biến khó lường, trong khi nguồn vaccine phục vụ cho công tác tiêm chủng chưa đáp ứng được nhu cầu, do vậy không được chủ quan, lơ là. Việc phòng chống dịch thành công hay không một phần tùy thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi người dân. Mỗi công dân phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch để cùng chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế.
HỒ QUÂN