Ngày 15-6, Hiệp hội Du lịch TPHCM có công văn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ ngành liên quan xem xét, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Thực tế hiện nay cho thấy, hàng loạt doanh nghiệp không trụ được phải đóng cửa, nhân viên ngành du lịch bỏ nghề tìm việc khác kiếm sống qua ngày… Chủ trương, chính sách đã có nhưng doanh nghiệp du lịch khó được tiếp cận…
Theo Hiệp hội Du lịch TPHCM, từ đầu năm 2020 đến nay, du lịch và hàng không là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề. Mọi hoạt động gần như tê liệt, nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động, không có doanh thu nhưng vẫn phải chịu áp lực trả lương người lao động (mặc dù đã cắt giảm và cơ cấu lại nhân sự), trả lãi vay, hoàn tiền khách hàng với các chi phí đã đặt trước… Mặc dù trước đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ban hành một số thông tư hỗ trợ doanh nhiệp (cơ cấu lại thời hạn trả, miễn, giảm lãi, phí…) nhưng hiện tại nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn chưa phục hồi hoạt động.
Do vậy, Hiệp hội Du lịch TPHCM kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, UBND TPHCM, Sở Du lịch TPHCM nghiên cứu, sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho lĩnh vực du lịch. Cụ thể như sau: Giảm mức lãi suất vay đang áp dụng; không áp dụng chuyển nhóm nợ; ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu; cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ…
Trước đó, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group cũng có kiến nghị chi tiết về vấn đề này với lãnh đạo UBND TPHCM tại “Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và các doanh nghiệp trên địa bàn để lắng nghe các kiến nghị, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, diễn ra vào ngày 10-6.
Đối với hệ thống khách sạn của Saigontourist, chủ yếu gồm khách sạn 4-5 sao, đón lượng khách quốc tế hàng năm chiếm khoảng 80%. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, công suất phòng tại các khách sạn ở TPHCM nói riêng, các địa phương khác nói chung đạt khoảng 10%, riêng trong thời gian giãn cách ở TPHCM như hiện nay, công suất phòng rớt xuống chỉ còn 2-3%. Các hoạt động khác trong khách sạn như ẩm thực, hội nghị… cũng ngưng hoạt động. Trong khi đó, tiền thuê đất cũng như các loại thuế, phí khác vẫn phải đóng đều đặn, đầy đủ. Dự tính, trong năm 2021 này, tiền thuê đất của Saigontourist Group dao động từ 350-400 tỷ đồng.
Trong bối cảnh khó khăn này, Saigontourist Group kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận chủ trương trong năm 2021 không truy thu tiền thuê đất các năm trước đó (nếu có), đồng thời giảm 50% tiền thuê đất trong 2 năm 2021 và 2022 của các mặt bằng do Tổng công ty Du lịch Sài Gòn trực tiếp quản lý hoặc các công ty có phần vốn góp của tổng công ty.
Tiếp đến, đối với vấn đề bảo hiểm, hiện nay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn tiền chi trả lương cho người lao động. Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đề nghị UBND TPHCM kiến nghị với Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH điều chỉnh chính sách cho các doanh nghiệp được giảm 50% chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2021.
Điều này giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực, tăng thêm thu nhập gián tiếp cho người lao động. Bên cạnh đó, kiến nghị cho doanh nghiệp giãn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và không chịu phạt lãi suất do nộp chậm theo quy định. Với các khoản nộp thuế, doanh nghiệp kiến nghị cho phép được lùi thời gian nộp thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng từ quý 1, 2 sang quý 4-2021.
Với chính sách kích cầu về thuế để thu hút du khách quay trở lại ngay sau khi hết dịch, Saigontourist Group kiến nghị UBND TPHCM đề xuất lên Chính phủ, Quốc hội xem xét miễn giảm 50% đối với thuế giá trị gia tăng trong thời gian 12 tháng kể từ khi hết dịch; miễn giảm toàn bộ thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên ngành du lịch trong năm 2021 và 2022; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong ngành du lịch năm 2021.
Doanh nghiệp cũng đề xuất ưu tiên tiêm 2 mũi vaccine cho nhân viên ngành du lịch. Theo quan sát của doanh nghiệp, chu kỳ dịch xuất hiện mạnh trở lại sau 3-4 tháng. Do vậy ngành du lịch TPHCM nên xem xét khai thác, kích hoạt khởi động nhanh ngay khi dịch Covid-19 lắng xuống. Song song đó, TPHCM cũng nên khuyến khích, kêu gọi người dân đi du lịch nội thành (du lịch đường bộ, đường sông…).
THI HỒNG – Nguồn Báo SGGP