Trong văn bản giải trình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo, CII cho biết Công ty dự kiến bắt đầu thu phí hoàn vốn cho dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận từ quý 2/2022, là tiền đề quan trọng giúp cho Công ty tạo được dòng tiền, đảm bảo khả năng trả nợ và tính an toàn tài chính cho Công ty. Theo đó, tổng doanh thu thu phí cầu đường trong năm 2022 ước đạt từ 1,500 tỷ đồng (chưa bao gồm dự án Trung Lương – Mỹ Thuận) đến hơn 2,200 tỷ đồng (bao gồm dự án Trung Lương – Mỹ Thuận).
Về mảng bất động sản, Công ty cho biết đã hoàn tất những thủ tục pháp lý cần thiết và đang sở hữu quỹ đất tại TP.HCM và một số tỉnh thành khác, có thể kể đến như: dự án 152 Điện Biên Phủ, dự án NBB3, dự án khu dân cư kết hợp nghỉ dưỡng De Lagi, dự án KDC Sơn Tịnh – Quảng Ngãi, dự án D’Veranal,… Đây sẽ là nguồn thu rất lớn cho Công ty trong 5 năm tới. Dự kiến tổng số tiền ròng còn thu được từ danh mục các dự án bất động sản lên đến 10,000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025.
CII sẽ tiếp tục thu hồi vốn và lợi nhuận đầu tư từ việc bán cổ phiếu quỹ, giảm tỷ lệ sở hữu tại NBB và thoái vốn tại SII (CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn), qua đó giúp Công ty gia tăng được nguồn vốn chủ sở hữu. Đây cũng sẽ là cơ sở để Công ty có thể hoàn trả các khoản nợ tài chính tại Công ty mẹ trong giai đoạn 2022-2023.
Bênh cạnh việc lập báo cáo tài chính theo chế độ kế toán Việt Nam hiện hành (VAS), CII cũng đang trong lộ trình chuyển đổi báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Nếu báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 của CII được áp dụng tiệm cận các chuẩn mực IFRS, tình hình tài chính và tổng thu nhập toàn diện của CII sẽ có những thay đổi đáng kể so với việc lập và trình bày theo chuẩn mực VAS.
Cụ thể, tổng tài sản hợp nhất của CII tại thời điểm 31/12/20221 sẽ vào khoảng 35,443 tỷ đồng, tăng 4,573 tỷ đồng so với số liệu trên báo cáo tài chính theo VAS. Đồng thời tổng thu nhập toàn diện thuộc về cổ đông công ty mẹ cho năm 2021 vào khoảng 1,890 tỷ đồng, tăng 2,223 tỷ đồng so với số liệu trên báo cáo tài chính theo VAS.
Bên cạnh các phương án khắc phục lỗ ròng 2021, HĐQT CII cũng đã thông qua kế hoạch tài chính 2022 để trình ĐHĐCĐ thường niên. Trong đó, CII đặt mục tiêu 2022 đạt 8,011 tỷ đồng doanh thu và gần 757 tỷ đồng lợi nhuận ròng.
Lý do lỗ ròng năm 2021
Giải trình nguyên nhân Công ty có lỗ ròng 2021 hơn 332 tỷ đồng khiến cổ phiếu bị cảnh báo kể từ ngày 30/03/2022, CII nêu ra những khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo CII, trong năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp cùng với việc giãn cách xã hội kéo dài khiến doanh nghiệp có mảng kinh doanh chính là thu phí cầu đường, bất động sản, thi công xây lắp như CII chịu ảnh hưởng nặng nề.
Các trạm thu phí thuộc CII đều tạm dừng thu phí một thời gian theo Chỉ thị 16, ảnh hưởng đến doanh thu thu phí cũng như nguồn tiền thanh toán nợ và lãi vay dự án.
Dịch bệnh cũng tác động đến thu nhập của người dân làm sụt giảm nghiêm trọng nhu cầu đầu tư bất động sản, khách hàng chậm thanh toán theo tiến độ các hợp đồng mua nhà, ảnh hưởng đến dòng tiền của dự án và kế hoạch giảm nợ, giảm áp lực lãi vay của Công ty.
Ngoài ra, các công trường tạm dừng thi công trong thời gian giãn cách, dẫn đến việc thanh toán cho nhà thầu cũng bị chậm hoặc bị hoãn lại, khiến doanh thu từ hoạt động xây dựng, duy tu, xây lắp công trình giảm.
Mặt khác, trong quý 4/2021, dù đã thoái vốn thành công 25.4 triệu cp NBB (CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy), thu về số tiền hơn 1,000 tỷ đồng và ghi nhận lợi nhuận khoảng 595 tỷ đồng trên báo cáo tài chính riêng nhưng theo quy định của chế độ kế toán hiện hành, NBB vẫn là công ty con của CII nên khoản lợi nhuận này được ghi tăng trực tiếp vào lợi nhuận chưa phân phối (trên bảng cân đối kế toán) mà không được hạch toán vào lợi nhuận hợp nhất (trên báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh).
Nguồn Vietstock