Chia cổ tức bằng cổ phiếu vẫn là điểm nhấn
Theo ghi nhận trên thị trường, các ngân hàng bắt đầu rục rịch công bố kế hoạch họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022. Năm nay chia cổ tức và tăng vốn vẫn là những vấn đề chính được quan tâm.
Theo đó, VIB vừa thông báo sẽ tổ chức ĐHCĐ vào ngày 16/3/2022. Ngân hàng này đặt kế hoạch tăng vốn trên 21.000 tỷ đồng, tăng 35,7% thông qua dự kiến chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn chủ sở hữu.
MSB cũng cho biết sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu. ACB sẽ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vào ngày 7/4/2022, dự kiến chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu, nếu thành công thì ngân hàng này sẽ nâng vốn điều lệ lên hơn 33.700 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ của SHB dự kiến sẽ tổ chức ngày 20/4/2022. Một trong những nội dung các cổ đông SHB quan tâm là ngân hàng sẽ thực hiện bầu HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2026. Do đó năm nay ông Đỗ Quang Hiển sẽ phải lựa chọn ghế Chủ tịch tại SHB hay Tập đoàn T&T Group theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)…
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết, khác với thời gian trước, hiện các cổ đông dường như hào hứng hơn với việc được chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trên thực tế, dù ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 song kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng năm 2021 đa phần tương đối sáng sủa. Thêm nữa, giá cổ phiếu ngân hàng cũng cao hơn nhiều so với trong quá khứ. Vì vậy việc chia cổ tức bằng cổ phiếu khiến cổ đông được hưởng “lợi kép”.
Chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường chia sẻ, ngân hàng là ngành có tốc độ tăng trưởng cao so với mặt bằng chung của thị trường. Đặc biệt, nhà đầu tư hoàn toàn có thể thấy rõ được tăng trưởng của ngân hàng khá bền vững. Các chỉ số tài chính của các ngân hàng tăng trưởng đều, khả năng sinh lời tốt, kết quả kinh doanh tích cực, quản lý rủi ro tốt hơn… Ngoài ra, một số ngân hàng có câu chuyện riêng như bán vốn ngoại… thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
“Ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao thì với những nhà đầu tư sở hữu số lượng cổ phiếu lớn, nhận bằng cổ phiếu sẽ giá trị hơn so với tiền mặt. Thị trường cũng đang là xu hướng uptrend nên dễ hiểu khi việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu được lòng các cổ đông hơn”, chuyên gia cho hay.
Thêm nữa, chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế như Basel II, Basel III. Việc không chia cổ tức bằng tiền mặt cũng là yêu cầu từ phía NHNN hai năm qua. Vừa qua tại Chỉ thị 01/CT-NHNN của Thống đốc NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, không chia cổ tức bằng tiền mặt; củng cố thêm sức khoẻ tài chính sẽ tạo thêm điều kiện để các ngân hàng thực hiện những hỗ trợ đối với khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tiếp tục cơ cấu, xử lý nợ xấu
Tại ĐHĐCĐ ngân hàng thường niên năm nay, việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ tái cơ cấu khi khách hàng gặp khó khăn do tác động từ Covid-19 cũng sẽ được thị trường rất quan tâm. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Yuanta, đến 30/6/2022 thời điểm Thông tư 14/2021/TT-NHNN của NHNN sẽ hết hiệu lực, nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu thì các ngân hàng, nhất là ngân hàng có tỷ lệ LLR (tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay) thấp sẽ buộc phải tăng thêm trích lập, ảnh hưởng nhiều tới kết quả kinh doanh của ngân hàng.
Cũng chính bởi vậy nên mới đây, Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú đề nghị NHNN xem xét gia hạn Thông tư 14/2021/TT-NHNN, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ các TCTD để họ có điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.
Liên quan tới vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cũng thừa nhận khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực vào tháng cuối tháng 6/2022, áp lực nợ xấu từ quý III/2022 sẽ rất lớn. Theo đó, để giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng, TS. Lực kiến nghị Chính phủ nên xem xét, đề xuất Quốc hội sớm tổng kết Nghị quyết 42 để tiến tới Luật hoá nghị quyết này. Trong thời gian chờ để có thể hiện thực hoá thành Luật, chuyên gia này cho rằng có thể gia hạn điều chỉnh, cập nhật Nghị quyết 42 trong khoảng ba năm để thêm thời gian chuẩn bị cho dự thảo Luật bởi nợ xấu nếu gia tăng nhanh hơn mà không được tháo gỡ kịp thời sẽ gây tổn thất lớn cho nền kinh tế.
Cùng với nợ xấu, vấn đề tái cơ cấu thông qua M&A cũng hứa hẹn sẽ nhận được nhiều sự chú ý. Như trường hợp Sacombank, Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh cho biết, sau khi hoàn thành tái cơ cấu trong năm 2022, ngân hàng này dự kiến bán 32,5% cổ phần cho hai đối tác nước ngoài. Có thể nói, quá trình tái cơ cấu tại Sacombank thời gian qua đã ghi nhận những kết quả tương đối tích cực, sẽ sớm hoàn tất so với lộ trình đặt ra. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022, đại diện của Sacombank cũng kiến nghị tới việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho các ngân hàng yếu kém sáp nhập vào các ngân hàng có nội lực và nền tảng tài chính tốt, khuyến khích các ngân hàng tự tái cơ cấu bằng nguồn lực kinh tế tư nhân để hạn chế sử dụng ngân sách Nhà nước. Đồng thời, bộ máy hoạt động, quản trị điều hành cũng cần phải tái cấu trúc theo hướng công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật…
Nhìn rộng ra, chuyên gia chia sẻ, dịch bệnh Covid-19 hơn hai năm qua hoành hành đã khiến hoạt động của hệ thống ngân hàng, của từng NHTM nói riêng thay đổi đi rất nhiều. Muốn gia tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc, thích ứng nhanh với sự biến đổi thị trường, buộc các ngân hàng phải chuyển dịch mô hình kinh doanh để phù hợp với thực tiễn như đầu tư mạnh công nghệ phát triển ngân hàng số…
Thị trường nói chung và các cổ đông nói riêng, dù chương trình đại hội bàn thảo nội dung gì thì họ cũng mong các hoạt động đều hướng tới mục tiêu ngân hàng có khoẻ mạnh hay không, làm sao để kinh doanh hiệu quả, củng cố tiềm lực tài chính và uy tín của ngân hàng.
Nguồn Người Đồng Hành