Bộ TT&TT đang lấy ý kiến cho Dự thảo Báo cáo nghiên cứu đề xuất Luật Công nghiệp công nghệ số. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp ICT, công nghệ số Việt Nam.

Dự thảo Báo cáo đưa ra chính sách về đối tượng quản lý; các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; chính sách về bảo hộ, vốn, đầu tư và ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số…

Văn bản này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất phần mềm, phần cứng và dịch vụ nội dung số.

Theo Bộ TT&TT, Luật Công nghệ thông tin 2006, Nghị định 71/2007/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đã hình thành và tạo hành lang pháp lý phát triển ngành công nghiệp ICT Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành công nghiệp này chưa đạt như kỳ vọng do còn một số bất cập.

Cụ thể là một vài quy định mâu thuẫn, chồng chéo với luật khác và chưa cụ thể, rõ ràng gây khó khăn trong quá trình thực thi.

Ngoài ra, do pháp luật về công nghiệp ICT được xây dựng hơn 10 năm trước nên chưa điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ các xu thế phát triển công nghệ và xu thế dịch chuyển của ngành công nghiệp ICT sang công nghệ số. Chẳng hạn như chưa có quy định liên quan đến các công nghệ số mới của cuộc CMCN 4.0 và mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như tiền mã hóa, các sản phẩm tạo bởi cá nhân dưới dạng điện tử; chưa có cơ chế bảo vệ người dùng, người sáng tạo đối với loại tài sản số này…

Do đó, Bộ TT&TT đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số với mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp ICT, công nghiệp công nghệ số; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho ngành công nghiệp này phát triển.

Theo Bộ TT&TT, Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được xây dựng dựa trên việc kế thừa những quy định phù hợp của Luật Công nghệ thông tin năm 2006 và đồng bộ với các luật chuyên ngành liên quan. Phù hợp với những điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia có liên quan đến lĩnh vực công nghiệp ICT, công nghệ số. Giải quyết được những tồn tại, rào cản cho sự phát triển công nghiệp CNTT, công nghiệp công nghệ số.

Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp ICT, công nghiệp công nghệ số. Các điều luật sẽ được xây dựng linh hoạt, mềm dẻo để theo kịp thực tiễn và xu hướng phát triển; tạo môi tường thuận lợi nhằm phát triển công nghiệp ICT, công nghiệp công nghệ số. Đồng thời, quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong thực thi chính sách thúc đẩy phát triển ngành.

Ngành công nghiệp ICT, công nghệ số giải quyết các bài toán của Việt Nam, đóng góp vào chuyển đổi số (xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số), góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác hiệu quả, làm chủ các công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0; đi từ ứng dụng công nghệ đến làm chủ một số công nghệ lõi, tiến tới đóng góp công nghệ cho thế giới; làm chủ việc phát triển các nền tảng, sản phẩm, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số.

Bộ TT&TT cho biết, việc xác định đúng các rào cản là rất quan trọng để đề xuất cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số tại Việt Nam. Do vậy, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, bổ sung, đề xuất thêm các nhóm chính sách nhằm giải quyết các vấn đề bất cập trong thực tiễn quản lý ngành, lĩnh vực.

10 nhóm chính sách cơ bản được Bộ TT&TT dự kiến đưa vào dự thảo Luật gồm:

– Xác lập ngành Công nghiệp công nghệ số; – Thúc đẩy phát triển các công nghệ số mới, lưỡng dụng, trọng điểm;

– “Miễn trừ tạm thời” cho các tổ chức, cá nhân thử nghiệm mô hình/sản phẩm mới trong giới hạn về thời gian, lãnh thổ, phạm vi;

– Phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số;

– Phát triển tài nguyên dữ liệu số quốc gia cho công nghiệp công nghệ số;

– Phát triển doanh nghiệp công nghệ số đầu đàn;

– Tạo thị trường cho công nghiệp công nghệ số;

– Phát triển nguồn nhân lực công nghệ số;

– Bảo hộ công nghệ số, tài sản số;

– Vốn, đầu tư, ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số.

Ngoài ra, một số chính sách cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung như phát triển công nghiệp công nghệ số phù hợp đặc thù với văn hóa; Phát triển bền vững (một số lĩnh vực, sản phẩm xanh, an toàn với sức khỏe con người; vấn đề sản phẩm công nghệ số qua sử dụng; quyền và trách nhiệm của các doanh nghiệp đầu chuỗi trong việc hình thành “quỹ tái tạo sản phẩm công nghệ số”…

Duy Vũ – ICTNews