Chiều ngày 18/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến “Báo cáo kết quả Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam cho 15 tỉnh, thành phố” nhằm hỗ trợ phục hồi ngành du lịch.
Dự án xây dựng Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam (VTCI) do Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) từ năm 2019. Dự án hướng tới thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch của từng địa phương, qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần hiệu quả phát triển kinh tế du lịch, xây dựng định hướng phát triển trong tương lai.
Bộ Chỉ số được xây dựng trên một hệ thống gồm hơn 70 chỉ số đánh giá các khía cạnh khác nhau liên quan tới năng lực cạnh tranh du lịch. Các nhóm chỉ số bao gồm: môi trường kinh doanh, y tế và vệ sinh, nguồn nhân lực và thị trường lao động, mức độ ưu tiên cho lữ hành và du lịch, môi trường bền vững, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cảm ơn và đánh giá cao nỗ lực của các bên, sự hỗ trợ tích cực của Phái đoàn EU đã triển khai dự án Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng kết quả dự án là công cụ hữu hiệu, giúp các địa phương rà soát lại, từ đó có các giải pháp căn cơ, bài bản để phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế, thúc đẩy du lịch phát triển hơn nữa. Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang dần mở cửa phục hồi, các địa phương cần tiếp tục nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến, chuẩn bị sản phẩm du lịch và liên kết với các tỉnh thành khác để đón khách hiệu quả.
Về chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế, Bộ trưởng cho biết, sau 2 tháng triển khai, ngành du lịch đã đón gần 8.000 lượt khách đến Việt Nam. Đặc biệt, chỉ số an toàn được đặt lên cao nhất, du khách được bảo vệ an toàn trước dịch bệnh, được đáp ứng nhu cầu du lịch, từ đó tạo niềm tin vững chắc cho du khách khi đến Việt Nam, khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn.
Bộ trưởng đặt vấn đề, trong bối cảnh Việt Nam đã có độ tiêm phủ vắc-xin thuộc nhóm hàng đầu trên thế giới, vừa qua ngành du lịch đã triển khai tốt chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế với hệ số an toàn rất cao, các địa phương đang tích cực mở cửa du lịch nội địa cũng như chuẩn bị sẵn sàng để đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép, bao giờ có thể đề xuất Chính phủ chính thức mở cửa du lịch quốc tế? Liệu có thể đề xuất mở cửa vào dịp 30/4 này không? Việc này cần tiếp tục nghiên cứu trên cơ sở khoa học, đảm bảo an toàn, nhưng không thể chờ đợi lâu và phải có bước đi, lộ trình phù hợp.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho rằng du lịch Việt Nam có nhiều thuận lợi để sớm mở cửa trở lại như độ phủ vắc-xin cao, nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch, việc triển khai thí điểm thuận lợi tại các địa phương cùng với gói hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa được Quốc hội thông qua… Phó Tổng cục trưởng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt để sẵn sàng mở cửa, tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá, cần tháo gỡ các vướng mắc trong việc đi lại, du lịch, có sự thống nhất trong các quy định ở trung ương, địa phương.
Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), lãnh đạo ngành du lịch các địa phương tham dự hội nghị cũng tán đồng việc đề xuất chính thức mở cửa du lịch quốc tế từ dịp 30/4. Các đại biểu cho rằng sự kiện này sẽ thu hút sự chú ý lớn của truyền thông quốc tế, nâng cao vị thế du lịch Việt Nam, tạo điều kiện rất thuận lợi để du lịch Việt Nam nhanh chóng phục hồi. Đây cũng chính là sự hỗ trợ thiết thực nhất để giúp các doanh nghiệp phục hồi sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giao Tổng cục Du lịch xây dựng báo cáo, làm việc lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để có cơ sở đề xuất lên Chính phủ việc mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian tới.
“Từ nay đến 30/4, những nơi đang làm thí điểm thì tiếp tục triển khai đón khách du lịch quốc tế. Sau đó, nếu Chính phủ đồng ý thì ngành du lịch sẽ chính thức mở cửa, trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh”, Bộ trưởng đề nghị.
Trung tâm Thông tin du lịch