Sáng nay, 5-12, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội). Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, từ 2 năm nay, dịch Covid-19 đã gây thiệt hai nặng nề về kinh tế – xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
“Năm 2020, Việt Nam duy trì tăng trưởng dương với 2,91%. Năm 2021, để thực hiện nhiệm vụ kép, 6 tháng đầu năm tăng trưởng 5,96%, tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế – xã hội, quý 3 tăng trưởng âm 6,17% nên 9 tháng tăng 1,42%. Dự kiến cả năm có tăng trưởng dương khá tốt nhưng chắc chắn không đạt được mục tiêu của nghị quyết mà Đảng và Quốc hội đặt ra, ảnh hưởng đến mục tiêu 5 năm tới”, người đứng đầu Quốc hội khái quát tình hình.
Để phục hồi, các nước đã tung ra nhiều gói giải pháp tiền tệ tùy vào khả năng và nguồn lực mỗi nước. Để ứng phó dịch bệnh, Việt Nam sử dụng linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ với tổng quy mô khoảng 4%/GDP (gói tài khóa 2,9% và gói tiền tệ 1,1%), thấp hơn so với các nước. Quốc hội cũng ban hành nhiều nghị quyết về tài chính ngân sách, đầu tư công, tái cơ cấu nền kinh tế… Chính phủ cũng ban hành nghị quyết theo phương châm thích ứng, an toàn và linh hoạt; xây dựng chương trình phục hồi tổng thể kinh tế xã hội, các gói tài chính. Vì vậy, vào cuối năm nay Quốc hội sẽ tổ chức kỳ họp bất thường để quyết định các vấn đề quan trọng liên quan quốc kế, dân sinh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, diễn đàn lần này là cơ hội để hiến kế các giải pháp xây dựng gói hỗ trợ, với quy mô và liều lượng phù hợp, mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng nhiệm vụ trước mắt, vừa đáp ứng yêu cầu dài hạn về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
“Đây là diễn đàn 2 chữ P: Phục hồi và Phát triển. Phát triển không phải bằng mọi giá mà trước mắt, duy trì phát triển phục hồi kinh tế, nhưng vẫn phải bám vào mục tiêu dài hạn, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, cả về kinh tế, môi trường, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo đó, diễn đàn sẽ tập trung thảo luận về tình hình thế giới, sự xuất hiện biến chủng mới, các phân tích đánh giá xu hướng dịch bệnh của thế giới và những tác động đến kinh tế vĩ mô, động lực tăng trưởng của Việt Nam. Những kinh nghiệm quốc tế cũng được thảo luận về phòng chống dịch, kiến nghị đề xuất cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các gợi ý chính sách.
Ngoài ra, diễn đàn cũng sẽ trao đổi, giải đáp câu hỏi huy động nguồn lực từ đâu, khi mà thị trường huy động vốn trung và dài hạn còn hạn chế; việc phân bổ sử dụng nguồn lực thế nào; giải đáp câu hỏi năng lực hấp thụ của nền kinh tế khi chúng ta còn có điểm nghẽn, vướng mắc như cổ phần hóa DNNN, đầu tư công.
“Nếu những chính sách vĩ mô ta quyết định không xuất phát từ hơi thở, thực tiễn cuộc sống sẽ không hiệu quả; thực tiễn không phản ánh vào chính sách thì sẽ không trôi chảy”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định và cho biết sẽ ghi nhận mọi ý kiến của cá nhân, tổ chức muốn tham gia đóng góp và hiến kế.