Nhà nước cần kịp thời ban hành chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý các quan hệ dân sự, kinh tế trên không gian mạng, đặc biệt là quản lý hoạt động cho vay qua các app điện tử, để kiểm soát hoạt động tài chính, thu thuế và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật thông qua hoạt động cho vay tài sản online đang diễn ra rất phức tạp hiện nay.

Vay tiền qua app và “bùng” nợ

Thời gian qua, bên cạnh các tổ chức tài chính được pháp luật bảo hộ thì không gian mạng xuất hiện rất nhiều app cho vay tiền online với lãi suất rất cao.

Sự bùng nổ về app cho vay cũng góp phần hình thành một bộ phận khách hàng chuyên bùng nợ qua app số tiền từ vài trăm nghìn lên đến hàng trăm triệu đồng.

Dưới góc độ pháp lý, đánh giá về hoạt động cho vay và bùng nợ như trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng hoạt động cho vay tiền có thể được thực hiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Bộ luật Dân sự về giao dịch dân sự.

Dù cho vay theo hình thức nào thì bên cho vay và bên đi vay vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp đồng vay tài sản, trong đó có quy định về lãi suất, nghĩa vụ của bên vay, nghĩa vụ của bên cho vay.

Theo quy định của pháp luật thì bên vay tài sản có nghĩa vụ trả lại tài sản cùng với lãi suất thỏa thuận theo đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức mà hai bên thỏa thuận. Trường hợp bên vay tài sản chậm trả nợ, vi phạm nghĩa vụ trả nợ bao gồm cả nghĩa vụ trả nợ gốc và nợ lãi thì phải chịu lãi suất nợ quá hạn.

Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Trường hợp vay tiền sau đó gian dối hoặc bỏ trốn để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ với số tiền từ 4.000.000 đồng trở lên thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nếu trường hợp đưa ra thông tin gian dối để vay tiền, sau đó chiếm đoạt, không có ý định trả tiền thì với số tiền chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên, người vay tiền sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Vì vậy, người vay tiền cần phải giữ liên lạc với người cho vay, nghiêm cấm việc sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp, nếu vay tiền sau đó bỏ trốn, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ hoặc gian dối để không trả nợ nữa thì có thể đối mặt với những chế tài hình sự. Người vay cần phải có trách nhiệm đối với khoản nợ của mình, trong trường hợp bị đòi nợ trái pháp luật thì có thể trình báo sự việc với các cơ quan chức năng để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật”, Luật sư Cường nói.

Cho vay lãi suất cao có thể bị xử lý hình sự

Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất vay, cụ thể lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Luật sư Cường cũng cho biết, trường hợp cho vay quá mức lãi suất cao nhất mà nhà nước quy định thì mức lãi suất vượt quá không được pháp luật thừa nhận nếu có tranh chấp xảy ra. Trường hợp cho vay cao quá năm lần mức lãi suất cao nhất theo quy định nêu trên đồng thời thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên thì bên cho vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đòi nợ theo nhiều hình thức trái pháp luật

Theo dõi trên mạng xã hội, hiện nay các chủ app online đang có rất nhiều cách đòi lại khoản nợ đã cho vay như khủng bố điện thoại, tin nhắn đối với con nợ, liên hệ với người thân, bạn bè, đồng nghiệp của con nợ, đe dọa in dán hình ảnh, phát tán thông tin vay nợ trên mạng xã hội,…

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Cường phân tích rõ vay mượn tài sản là quan hệ dân sự, pháp luật nghiêm cấm việc lợi dụng các quan hệ dân sự này để đe dọa, uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của người khác.

Hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần của người khác để đòi nợ là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với hành vi chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác để đòi nợ thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP nếu như hành vi được diễn ra trên không gian mạng.

Trường hợp hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin của bên cho vay để đưa ra thông tin sai sự thật nhằm vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác đến mức nghiêm trọng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 nều có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm như tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155, tội “Vu khống” theo Điều 156, tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính mạng viễn thông” theo Điều 288.

Trường hợp đòi nợ bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa, uy hiếp tinh thần của người vay tài sản hoặc người thân của họ để đòi nợ thì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp tài sản” theo Điều 168 Bộ luật Hình sự hoặc tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 Bộ luật Hình sự.

Cần kịp thời ban hành chính sách pháp luật

Vị Luật sư bày tỏ cùng với sự phát triển của xã hội trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì các hoạt động của con người trên không gian mạng ngày càng nhiều trong đó có các quan hệ dân sự, kinh tế. Hoạt động cho vay trên không gian mạng cũng ngày càng phát triển và đang thiếu hành lang pháp lý, dẫn đến những mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột ngày càng nhiều.

Nhà nước cũng đang dần dần hoàn thiện Chính sách và pháp luật đối với các quan hệ dân sự, kinh tế trên không gian mạng. Khi hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện trên không gian mạng thì vẫn áp dụng theo các văn bản pháp luật hiện có như Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử, Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, Luật sư Cường cũng kiến nghị nhà nước cần kịp thời ban hành chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý các quan hệ dân sự, kinh tế trên không gian mạng, đặc biệt là quản lý hoạt động cho vay qua các app điện tử, để kiểm soát hoạt động tài chính, thu thuế và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật thông qua hoạt động cho vay tài sản online đang diễn ra rất phức tạp hiện nay.

DUY ANH