KIM DUNG – Tại diễn đàn Quốc hội, tại phiên chất vấn, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã cho biết một số thông tin về trách nhiệm lực lượng Công an cùng với ngành Y tế tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xử lý một số vụ án, vụ việc có liên quan đến đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế và công tác kiểm tra, xác minh đơn thư tố giác về huy động từ thiện của một số cá nhân.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thời gian vừa qua, hoạt động vi phạm liên quan đến đấu thầu, mua sắm các thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, các vụ vi phạm xảy ra các bệnh viện lớn đã được lực lượng Công an phát hiện, khởi tố và điều tra. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phát hiện một vụ cảnh tỉnh cả vùng. Trong đó, Công an các đơn vị, địa phương cũng đã chủ động nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn các khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, có tác dụng cảnh tỉnh răn đe cả lĩnh vực. Điển hình là một số vụ như sai phạm xảy ra tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Sở Y tế Hà Tĩnh, Sở Y tế Cần Thơ, Sở Y tế Sơn La… Qua đấu tranh, hiện nay các đối tượng đều đã thừa nhận hành vi phạm tội. Bộ Công an sẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, sớm kết luận để đưa ra truy tố các bị can trước pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết thêm, các hành vi vi phạm của các đối tượng trong lĩnh vực y tế bị phát hiện thời gian qua là do các đối tượng đã lợi dụng khó khăn, lợi dụng kẽ hở của luật pháp để vi phạm. Những vi phạm về hình sự đều rất đáng bị xử lý. Trước khi xử lý hình sự, Bộ Công an đều yêu cầu Cơ quan điều tra phải cá thể hoá trách nhiệm hình sự của từng cá nhân trong từng vụ việc đó. Phải chứng minh yếu tố tư lợi, tham ô, tham nhũng, trục lợi để xử lý các đối tượng này. Ví dụ việc mua sắm thiết bị y tế, đối tượng đã thông đồng với nhà thầu để nâng giá thiết bị, có ăn chia nhau, trích phần trăm… Đây là những yếu tố tư lợi, biểu hiện của tham ô, tham nhũng.
Bộ trưởng nêu rõ, qua việc trên, Bộ Công an kiến nghị với Quốc hội một số vấn đề, như: Đề nghị Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình tham mưu, quy trình đầu tư cơ sở vật chất, công tác triển khai mua sắm trang thiết bị để kịp thời ngăn chặn các vi phạm. Đề nghị các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, đưa một số mặt hàng, trang thiết bị y tế vào nhóm mặt hàng bình ổn để quản lý giá, không để các đối tượng bên ngoài câu kết, thông đồng với các cơ quan đơn vị nâng giá, trục lợi… Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra xử lý các vi phạm của các đối tượng liên quan trong lĩnh vực y tế.
Vấn đề thứ hai, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, thời gian qua, tình hình buôn lậu, buôn bán trái phép thiết bị, vật tư y tế, vật tư sử dụng xét nghiệm, thuốc hỗ trợ điều trị Covid… diễn ra phức tạp trong cả nước. Các đối tượng sử dụng nhiều hình thức tinh vi để nhập lậu, dùng mạng xã hội để làm nơi buôn bán; sử dụng những địa điểm là những nơi đang xây dựng, địa hình khó đi lại để làm nơi tập kết, cất giấu hàng hoá. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an các địa phương tập trung lực lượng, phương tiện triển khai các biện pháp để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý những vi phạm về các lĩnh vực, nhất là y tế như: thuốc, vật tư y tế, thậm chí có cả vaccine.
Vấn đề thứ ba, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học, công nghệ để tham gia tích cực trong quản lý bệnh dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và các hoạt động của nhân dân, phục vụ cho việc cung cấp và hỗ trợ, an sinh xã hội thông qua Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để cùng với ngành Y tế tiếp tục đồng hành phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả…
Bộ Công an đã giao cho Cục Cảnh sát hình sự tiến hành thụ lý, kiểm tra xác minh các nguồn tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin của người dân về hoạt động quyên góp, nhận từ thiện, cứu trợ trong đợt mưa lũ xảy ra tại miền Trung năm 2020 của một số nghệ sỹ để làm rõ theo quy định của pháp luật. Hiện nay đang triển khai các công việc kiểm tra, xác minh. Cục Cảnh sát hình sự đang phối hợp với Ngân hàng tiến hành rà soát xác định những tài khoản đã huy động từ thiện để làm rõ việc tiếp nhận, đóng góp, quá trình giải ngân; phối hợp với Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi… xác minh, làm rõ số tiền, hàng các nghệ sỹ đã tiến hành cứu trợ tại các địa phương. Bên cạnh đó, cũng đã mời các cá nhân, tổ chức có liên quan làm việc, cung cấp các thông tin có liên quan để kết sớm kết luận vụ việc theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo Cảnh sát hình sự toàn quốc rà soát, nắm tình hình hoạt động từ thiện diễn ra trên địa bàn, kịp thời phát hiện những tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi, chiếm đoạt tài sản.
Qua rà soát tại các địa phương, hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 06 tố giác tội phạm của công dân có liên quan đến việc biển thủ tiền từ thiện của các nghệ sỹ. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tiếp nhận, phân loại 6 tố giác theo đúng quy trình của pháp luật tố tụng hình sự.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, qua công tác rà soát, Bộ Công an sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tiếp nhận, phân bổ, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn, khắc phục thiên tai, hoả hoạn, các sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… theo hướng bổ sung các quy định để hoạt động này đảm bảo công khai, minh bạch.