LƯU CÔNG QUYỀN, NGUYỄN ĐỨC HÀ (VKSND thị xã An Nhơn, Bình Định) – Hiện nay tình hình tội phạm xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Trong đó, tội Làm nhục người khác, có tình tiết sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội, thì còn có nhiều cách hiểu khác nhau.
Quy định của pháp luật và các cách hiểu
BLHS 2015 được thông qua đã sửa đổi, bổ sung nhiều Điều, khoản, điểm đối với một số loại tội phạm, trong đó có tội “Làm nhục người khác” được quy định tại Điều 155, thuộc Chương XIV Các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Tuy nhiên, qua tham khảo một số trường hợp đối tượng có hành vi đăng clip, ảnh khỏa thân nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác vẫn còn một số quan điểm khác nhau về định tội danh, định khung hình phạt.
Ví dụ: Nguyễn Văn A và Nguyễn Thị B có quan hệ tình cảm với nhau (trong những lần đi chơi, A và B có quan hệ tình dục – A có quay video clip và lưu trong điện thoại của A để lưu giữ làm kỷ niệm). Sau khi quen biết một thời gian, chị B phát hiện A đã có gia đình nên B chủ động chấm dứt mối quan hệ với A. A cố gắng níu kéo nhưng không được nên bực tức, khoảng 10 giờ ngày 11/3/2019, A sử dụng điện thoại đăng nhập mạng xã hội Zalo bằng tài khoản của mình, sau đó đăng tải đoạn clip cảnh quan hệ tình dục giữa A và B lên trang cá nhân nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chị B.
Sau khi được một số người bạn gọi điện báo tin, chị B ngay lập tức gọi điện yêu cầu A xóa đoạn clip nói trên và đến 23 giờ cùng ngày, A đã gỡ đoạn clip trên khỏi tài khoản của mình. Ngày 12/3/2019, chị B trình báo sự việc đến Công an huyện X và có đơn yêu cầu xử lý A về hành vi làm nhục. Quá trình xác minh, A đã thừa nhận toàn bộ hành vi đăng tải video clip quan hệ tình dục có hình ảnh B khỏa thân với mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chị B. Ngày 25/4/2019, chị B có đơn rút đơn yêu cầu khởi tố đối với A; Cơ quan CSĐT Công an huyện X chưa khởi tố vụ án. Về hướng xử lý đối với trường hợp trên, có các quan điểm sau:
Có quan điểm thứ nhất cho rằng, A đã có hành vi đăng tải video clip quan hệ tình dục giữa A và B – hình ảnh khỏa thân của chị B lên mạng xã hội Zalo nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Hành vi của A đã xâm phạm đến khách thể được Nhà nước và pháp luật bảo vệ đó là quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Điều 155 BLHS 2015 quy định:
“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: (a) Phạm tội 02 lần trở lên; (b) Đối với 02 người trở lên; (c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; (d) Đối với người đang thi hành công vụ; (đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; (e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; (g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%…”
Do đó, hành vi của A đã cấu thành tội “Làm nhục người khác” quy định tại Điều 155 của Bộ luật này. Mặc dù, A đã có hành vi sử dụng mạng thông tin điện tử (mạng xã hội Zalo) để đăng tải clip nói trên, tuy nhiên hiện nay do chưa có hướng dẫn thế nào là “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” nên hành vi của A chỉ cấu thành tội “Làm nhục người khác” quy định tại khoản 1 Điều 155. Vì vậy, đối với việc chị B có đơn xin rút đơn yêu cầu khởi tố, Cơ quan CSĐT Công an huyện X trong trường hợp này phải căn cứ khoản 8 Điều 157 BLTTHS để ra quyết định không khởi tố vụ án.
Quan điểm khác cho rằng, phải xử lý A về tội “Làm nhục người khác” với tình tiết định khung tăng nặng “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 155 BLHS 2015 vì A đã sử dụng điện thoại thông minh và mạng Internet để phát đăng tải clip nhằm mục đích xúc phạm danh dự chị B. Đối với việc chị B có đơn xin rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án, Cơ quan CSĐT Công an huyện X có trách nhiệm giải thích với chị B vụ việc không thuộc các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.
Tác giả cho rằng, phải xử lý A về tội Làm nhục người khác với tình tiết định khung tăng nặng “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 155 BLHS 2015.
Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông
Về đánh giá mức độ “nghiêm trọng” của hành vi của A khi sử dụng điện thoại đăng tải clip cảnh quan hệ tình dục giữa A và B trên trang cá nhân của mình phải căn cứ vào thái độ, nhận thức của người phạm tội trong tổng thể các yếu tố khách quan khác như: tính chất hành vi; thời gian hành vi diễn ra; dư luận xã hội hay các yếu tố về phong tục tập quán, truyền thống của người Việt Nam… Trong trường hợp này, mặc dù chị B đã có đơn xin rút đơn yêu cầu khởi tố, tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng không nên chỉ căn cứ vào lý do này để xác định mức độ nghiêm trọng hành vi của A. Tác giả cho rằng dư luận xã hội, các yếu tố về đạo đức, phong tục và truyền thống của người Việt Nam trong trường hợp này cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm xác định mức độ xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của chị B do hành vi của A gây ra. Bên cạnh đó, hành vi của A khi đăng clip quan hệ tình dục với chị B trong một khoảng thời gian dài (13 tiếng) trên một trang mạng xã hội (Zalo) – hiện đang có số người dùng rất lớn và phổ biển tại Việt Nam là hành vi hết sức nguy hiểm. Bởi lẽ, đoạn clip nói trên hoàn toàn có thể lây lan nhanh chóng trên các trang mạng xã hội khác (Facebook, Twitter, …) với tốc độ rất nhanh; một số đối tượng có thể lưu trữ đoạn clip và phát tán trên các trang mạng “đen”. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật, chị B không có quyền yêu cầu lại khi đã tự nguyện rút đơn. Do đó, mặc dù tại thời điểm xảy ra vụ việc, chị B chưa hoàn toàn nhận thức được mức độ nghiêm trọng do hành vi A gây ra cho mình, Điều tra viên thụ lý vụ việc cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc phân tích, từ đó xác định tính nghiêm trọng của hành vi phạm tội để kịp thời giải thích, hướng đẫn người bị hại hiểu được quyền và lợi ích hợp pháp của mình và hậu quả pháp lý của việc rút đơn yêu cầu khởi tố.
Về cách hiểu như thế nào là “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 155 BLHS, tác giả nêu ra 03 cách tiếp cận đối với tình tiết này như sau:
+ Cách tiếp cận thứ nhất: Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Điều 3 Văn bản hợp nhất số 17/VBHN-VPQH ngày 12 tháng 12 năm 2017 về Luật Viễn thông, Luật Kế toán năm 2015 thì mạng là khái niệm chung để chỉ mạng viễn thông (cố định, di động, Internet), mạng máy tính (WAN, LAN). Trong đó:
+ Viễn thông là việc gửi, truyền, nhận và xử lý ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng thông tin khác bằng đường cáp, sóng vô tuyến điện, phương tiện quang học và phương tiện điện từ khác.
+ Mạng viễn thông là tập hợp thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông.
+ Dịch vụ viễn thông là dịch vụ gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ cơ bản và dịch vụ giá trị gia tăng.
+ Dịch vụ ứng dụng viễn thông là dịch vụ sử dụng đường truyền dẫn viễn thông hoặc mạng viễn thông để cung cấp dịch vụ ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, thông tin, y tế, giáo dục và lĩnh vực khác.
+ Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự.
+ Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.
Từ những định nghĩa trên, ta có thể xác định rằng điện thoại di động là một phương tiện điện tử viễn thông dùng để trao đổi (gửi, truyền, nhận) thông tin (gồm: tín hiệu, số liệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng thông tin khác) trên các nền tảng mạng, trong đó bao gồm cả mạng xã hội (Zalo, Facebook…). Do vậy, việc A có hành vi sử dụng điện thoại đăng nhập mạng xã hội Zalo bằng tài khoản của mình, sau đó đăng tải đoạn clip quay cảnh quan hệ tình dục với chị B – khi B đang khỏa thân lên trang cá nhân nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm đã thỏa mãn khái niệm về tình tiết định khung tăng nặng “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 155.
+ Cách tiếp cận thứ hai: Dựa trên Công văn số 196/TANDTC – PC ngày 04 tháng 9 năm 2018 của TANDTC về hướng dẫn việc áp dụng điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 BLHS – tức tình tiết “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” đối với tội đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc. Chúng ta có thể vận dụng linh hoạt Công văn trên để áp dụng tương tự đối với tình tiết sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS. Theo Công văn 196 của TANDTC, việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội được hiểu là việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến. Khi đối chiếu cụm từ “trực tuyến” trong hành vi đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc sang hành vi làm nhục người khác, chúng ta có thể đánh giá như sau: thay vì A dẫn chị B đến công viên rồi có hành vi cởi đồ của chị B sau đó người khác trông thấy nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của B (đây là hành vi làm nhục trực tiếp), thì việc A sử dụng điện thoại đăng nhập mạng xã hội Zalo bằng tài khoản của mình, sau đó dùng mạng Internet đăng đoạn clip quay cảnh quan hệ tình dục với chị B – khi B đang khỏa thân lên trang cá nhân nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm (đây là hành vi làm nhục trực tuyến). Do đó cần xử lý A theo điểm e khoản 2 Điều 155 BLHS.
+ Cách tiếp cận thứ ba: tại điểm a khoản 1 Điều 288 BLHS 2015 quy định về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”, cụ thể: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 236 của Bộ luật này.
Qua phân tích đánh giá, có thể nhận thấy rằng đối với mọi hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định pháp luật sẽ bị xử lý về tội quy định tại Điều 226 BLHS. Tuy nhiên, tại điểm a khoản 1 Điều này đã phân định rõ khách thể xâm hại của hành vi khách quan nói trên như sau:
+ Những hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái quy định pháp luật nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân nói riêng hay xâm phạm đến sự an toàn của hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông nói chung sẽ bị truy cứu TNHS theo các điểm khoản quy định tại Điều 288 BLHS.
+ Ngược lại, cũng với các hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái quy định pháp luật nhưng nếu xâm phạm đến một trong những loại khách thể sau thì tùy từng trường hợp sẽ xử lý thành các tội cụ thể khác với tình tiết định khung tăng nặng “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” hoặc “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội” (trừ Điều 117 sẽ xử lý thông qua tình tiết định khung tại các điểm a, b, c khỏan 1 Điều này) như: xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác (tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống); xâm phạm đến sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong xã hội nhằm de dọa sự vững mạnh của chính quyền nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa (tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam); xâm phạm đến truyền thống văn hóa của dân tộc, sự quản lý của Nhà nước về việc duy trì, phát triển nếp văn hóa văn minh (tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy). Do vậy, việc đăng ảnh khỏa thân, clip mang tính kích dục lên mạng xã hội là hành vi mang tính chất đồi trụy, đã phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc – đây là hành vi Nhà nước nghiêm cấm theo điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; A thực hiện hành vi nói trên với mục đích nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chị B nên hành vi của A đã cấu thành tội “Làm nhục người khác” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 155 BLHS.
Tóm lại, từ những hướng tiếp cận trên, theo quan điểm của tác giả hành vi sử dụng điện thoại đăng nhập mạng xã hội Zalo bằng tài khoản của mình, sau đó đăng tải đoạn clip cảnh quan hệ tình dục với mục đích làm nhục, đã cấu thành tội “Làm nhục người khác” quy định tại Điều 155 BLHS 2015 với tình tiết định khung tăng nặng tại điểm e khoản 2 Điều này với hành vi “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”. Việc xử lý thích đáng, triệt để hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác dưới hình thức sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử sẽ góp phần phòng ngừa chung cho toàn xã hội trước loại hình tội phạm đang có chiều hướng diễn biến phức tạp này./.