Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đang ảnh hưởng đến khả năng mua ôtô, điện thoại thông minh và hầu như tất cả thiết bị điện tử của người tiêu dùng. Tình trạng này sẽ không giảm bớt trong hai năm tới.
Theo chuyên gia kinh tế John Rutledge, đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và tình trạng tắc nghẽn hàng hóa sẽ kéo dài tới năm 2023.
“Bản chất của các đại dịch là chúng không chỉ có một làn sóng lây nhiễm một lần rồi kết thúc. Chúng gây ra nhiều làn sóng lây nhiễm”, ông Rutledge, trưởng phòng chiến lược đầu tư của Safanad, nói với CNBC.
Rutledge, người từng đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch kinh tế của cựu Tổng thống Ronald Reagan, cảnh báo rằng các biến thể của Covid-19 sẽ tiếp tục khiến các cảng biển phải đóng cửa. Tình trạng này đã xảy ra vào tháng trước tại cảng Ninh Ba – Chu Sơn của Trung Quốc, cảng bận rộn thứ ba trên thế giới.
Ông Rutledge cho biết: “Nguyên nhân là xuất hiện một số ca nhiễm tại đó. Thủ thủy đoàn đến nay vẫn là đối tượng chưa được tiêm chung trên khắp thế giới. Vì vậy, một cảng nào đó ở đâu đó cũng sẽ lại bị đóng cửa thôi”.
Theo ông, việc các cảng biển đóng cửa cùng với tình trạng thiếu nguồn cung và vật liệu gây ra tác động trên phạm vi toàn cầu. “Về cơ bản, bạn sản xuất chậm hơn và đó là yếu tố ảnh hưởng đến GDP. Nếu bạn không có được nguyên liệu bạn cần, bạn sẽ phải giảm tốc độ sản xuất”, vị chuyên gia này cho hay.
Cũng theo ông, thiếu nhân công là một trong những lý do chính khiến vấn đề của chuỗi cung ứng sẽ dai dẳng trong hai năm tới. “Không rõ có bao nhiêu người trong số những lao động này sợ đi làm,không muốn đi làm hoặc vẫn còn nhiều tiền mặt. Tuy nhiên, rõ ràng là tình trạng thiếu nhân công sẽ không được giải quyết trong 3 hay 6 hay 12 tháng tới”.
Nguồn Người Đồng Hành