Cuộc sống người dân huyện Hóc Môn, TPHCM những ngày này rất khác. Từ khi nhiều khu vực thực hiện phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19, sinh hoạt của bà con xáo trộn nhưng cũng nhanh chóng thích nghi, từ chuyện nghe loa phát thanh nắm tình hình dịch bệnh, đi chợ ở những điểm bán hàng lưu động, cho đến đỡ đần nhau vượt qua những ngày khó khăn.
Loa phát thanh, buổi chợ lưu động
5 giờ 30, loa phát thanh gần xóm nhà bà Bảy (63 tuổi, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) vang lên những thông báo về tình hình dịch bệnh. Mọi ngày, giờ đó bà còn ngái ngủ, đứa cháu gái thì than ồn ào, nhưng hôm nay bà lắng tai nghe cho rõ. Số ca mắc, thông tin điểm phong tỏa, nội quy, kể cả chi tiết mức phạt nếu không chấp hành quy định phòng chống dịch đều được phát trên loa.
“Tui không rành lên mạng coi tin tức nên toàn hỏi con cái với nghe loa thôi. Nghe để biết chỗ nào có ca bệnh mà tránh”, bà nói. Rồi bà dắt chiếc xe đạp điện đi mua bún ăn buổi trưa, thêm ít thịt heo, thịt gà để dùng trong 3-4 ngày.
Bà Bảy cũng giống như nhiều người ở các xóm ngoại thành này, có phần lo lắng khi thông báo của chính quyền thực hiện phong tỏa một số khu vực từ ngày 20-6. Đời sống bình thường cũng thay đổi. Nhiều người sắp xếp làm việc tại nhà, người kinh doanh dịch vụ không thiết yếu tạm đóng cửa.
Có lẽ chộn rộn nhất là những người nội trợ vốn hay lo nghĩ, vì ngoại thành nhiều nơi không có cửa hàng tiện lợi, một số chợ ngưng bán, còn siêu thị đôi khi cũng xa nhà. Mà sinh hoạt người dân nơi đây có nhiều nét gần giống thôn quê, đã quen với buổi chợ sớm tươi ngon mỗi ngày. Khi có thông tin về những điểm bán thực phẩm lưu động, họ mới an tâm.
Hơn 8 giờ sáng, vài người ghé vào gian hàng lưu động trên đường Huỳnh Thị Mài, xã Tân Hiệp. Con đường nhỏ những ngày này lác đác người đi mua đồ ăn. Nhanh chóng chọn miếng thịt, mấy trái mướp, anh Minh cho biết, nhà anh cách đây 1km, trong nhà hết món mặn nên anh đi mua.
“Cũng có quán ăn bán mang về, tạp hóa cũng mở cửa. Lại có mấy điểm bán rau củ, thịt thà như vầy nên nhà tôi cũng không lo gì nữa”, anh nói. Nhân viên gian hàng cho biết, mỗi ngày sẽ bán thực phẩm cho người dân từ sáng đến 12 giờ. Gần quán lẩu trên đường Song hành Quốc lộ 22 và đường vào miễu Cây Dầu cũng bố trí điểm bán hàng tương tự. Tùy tình hình, những gian hàng này sẽ lưu động sang địa điểm khác để phục vụ bà con, hôm trước là ở đường Lê Thị Lơ.
Ở một số xã khác, người dân cũng nhanh chóng thích ứng. Chị Nguyễn Bình Thanh (25 tuổi, làm việc thời vụ cho một công ty may ở xã Thới Tam Thôn) cho biết, chị vẫn đi làm bình thường và tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch. Khu trọ của chị không cho người lạ vào, người bên trong đi lại phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.
Trao đổi qua điện thoại, chị chia sẻ: “Chiều về không kịp nấu nướng nên tôi kho sẵn nồi cá bỏ tủ lạnh. Dịch bệnh chưa biết chừng nào hết nên tôi chỉ ăn mấy món rẻ rẻ, dành tiền gửi về cho má nữa”. Chị Lan Anh (31 tuổi, ở xã Trung Chánh) cho biết, mấy ngày nay không ra khỏi nhà. Chị nói: “Siêu thị luôn mở cửa, còn không, có thể đặt đồ online. Việc hạn chế đi lại cũng ảnh hưởng tới công việc nhưng cả nhà tôi chỉ mong mau hết dịch”.
Cùng nhau vượt qua
Dịch bệnh kéo theo nỗi lo kinh tế, ảnh hưởng miếng cơm manh áo nhiều người. Những ngày đường sá thưa thớt người qua lại, người buôn gánh bán bưng, bán vé số đắp đổi qua ngày ở ngoại thành cũng lo ngay ngáy.
Lội bộ trên con đường vắng, ông Năm Tiến (52 tuổi, ngụ xã Tân Hiệp) cầm xấp vé số ngó vào mấy ngõ hẻm. Một người phụ nữ chạy xe ngang qua, dừng lại mua 3 tờ.
Xấp vé còn cỡ 100 tờ, ông nói: “Hổm nay dịch quá nên tôi lấy bớt lại, ngày bán hòm hòm 200 tờ là mừng rồi. Trưa trưa thì về chứ không ham bán ráng nữa”. Dù bán chậm hơn nhưng dường như người ta thương tình mua giúp ông, có người chưa kịp mời đã tự động mua.
Cách đó mấy ngõ hẻm, một phụ nữ đội nón lá dừng lại nhặt nhạnh mấy chai nhựa ven đường. Bà rẽ vào con đường nhỏ, được một gia đình cho 4-5 chiếc thùng giấy, mớ vỏ lon nước ngọt. Bà nói, biết dịch bệnh nguy hiểm nhưng không đi gom ve chai thì không biết tính sao.
Ông Thanh (64 tuổi) mấy hôm nay ngưng chạy xe ôm vì nghĩ mình đã có tuổi, lỡ mắc bệnh sẽ khổ cả nhà. Ông nói: “Hồi trước nhà tôi mỗi ngày ăn tiêu chuẩn 50.000 đồng, nay giảm bớt để tiết kiệm. Chừng nào hết giãn cách tôi mới chạy xe lại”. Còn chị Nguyễn Bình Thanh (ở xã Thới Tam Thôn) cho biết, chủ khu trọ đã cho mỗi phòng 6kg gạo, giảm một nửa tiền phòng. Chị kể: “Công nhân trọ ở đây cũng giúp nhau khi mắm muối, lúc bó rau. Tiệm tạp hóa ngoài đường còn cho mua thiếu, cuối tháng trả”.
Ở các chốt phong tỏa một số tuyến đường, những tấm lòng hảo tâm đã ghé lại. Buổi sáng, tại một chốt thuộc xã Tân Hiệp, chiếc xe bán tải quẹo vào, trao tặng gạo, trứng gà, mì và chia mỗi túi 10 gói. Qua trò chuyện vội, anh Hậu tài xế cho biết, đây chỉ là chút tình giúp đỡ bà con lao động phải chôn chân tại nhà mùa dịch. Tại chốt phong tỏa khác, một chiếc xe chở theo khoai lang, rau cải, gạo… dừng lại, xếp thực phẩm gọn vào một góc rồi lên đường. Người trực chốt nhận thấy có nhiều rau cải, đã từ chối và đề nghị đưa đến các chốt khác để ai cũng có phần.
Còn chị Lan Anh (ở xã Trung Chánh) chia sẻ: “Do thực hiện phong tỏa nên tôi không đi thăm cô chú ở xã kế bên được, cô chú nói ổn, bà con cũng chia sẻ với nhau. Dịch bệnh như vầy càng thấy quý tình làng nghĩa xóm”.
Chiều, loa phát thanh lại thông báo tình hình dịch bệnh, kèm danh sách nhà hảo tâm ở địa phương đã đóng góp giúp người khó khăn. Những cái tên như Công ty T.P. góp 20 triệu đồng, hộ gia đình ở số nhà 158 góp 2 triệu đồng, ông Quang góp 200.000 đồng… khiến người nghe thấy ấm lòng. Chuyện phong tỏa rồi sẽ qua, người ta sẽ quay lại nhịp sống bình thường nhưng điều tốt đẹp trong những ngày này sẽ còn đọng lại.
Ngày thường, ai cũng lo làm ăn, các gia đình thường chỉ chào hỏi xã giao. Nay trong lúc hạn chế đi lại, người dân quan tâm tới nhau hơn. Được con cái mua sẵn thức ăn, thấy nhà gần bên không đi chợ, bà Hai (ngụ xã Tân Hiệp) đem cho hàng xóm bắp cải, bí đỏ và túi khoai tây.
Trong xóm còn bà Chín cảnh nhà thiếu thốn, tiếng ở thành phố nhưng bà vẫn nấu bếp củi, chi tiêu dè sẻn, vì vậy người trong xóm mang cho bà lúc bánh ít, khi nải chuối. Nhà chị Sơn có mảnh vườn bé xíu trồng được ít rau, chị cắt chia cho nhà đối diện. Các khu xóm nhỏ đã truyền đi tình cảm đùm bọc một cách thiết thực, dĩ nhiên không quên thực hiện “5K” khi trao tặng yêu thương.
YẾN TRINH/SGGP